Sự hiểu biết đem lại hạnh phúc gia đình
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- Lm Dương Trung Tín
Sự hiểu biết đem lại hạnh phúc gia đình
“Khi đã đủ thời gian, đến ngày các Ngài phải được thanh tẩy theo luật Mô-sê, Bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem Con lên Giê-ru-sa-lem để tiến dâng cho Chúa”(Lc2,22).
Qua câu Lời Chúa trên ta thấy gia đình Thánh Giu-se có Đức Ma-ri-a, Thánh Giu-se và Đức Giê-su. Có đầy đủ cha, mẹ và con. Gia đình này được gọi là gia đình thánh, THÁNG GIA. Thánh Gia là gia đình thánh. Vì trong gia đình này có ba vị thánh. Đó là thánh Giu-se, Rất thánh Ma-ri-a và Đức Giê-su thì khỏi nói rồi, là Đấng ba lần thánh.
Vì sao ? Vì ba người này đều vâng nghe theo Lời Chúa phán dạy.
Thánh Giu-se đã nghe Lời Chúa nói qua Thiên Thần nói trong giấc mơ, khi tỉnh dậy Ngài đón Đức Ma-ri-a về nhà mình. Vì trước đó Giu-se muốn âm thầm lìa bỏ Ma-ri-a, vì thấy Ma-ri-a đang mang thai, mà CÁI THAI đó không phải mình là tác giả.
Ma-ri-a cũng đã vâng nghe Lời Chúa qua lời Thiên Sứ Gabriel truyền tin: “Này tôi là tôi tá Chúa, tôi xin vâng như lời Sứ Thần truyền”.
Còn Đức Giê-su, Ngài cũng vâng lời Thiên Chúa để xuống thế làm người và để cứu chuộc nhân loại.
Cả Ba Đấng đều vâng nghe Lời Chúa phán dạy nên gia đình có sự hiệp nhất. Một gia đình có sự hiệp nhất là một gia đình hạnh phúc. Một gia đình cùng sống Lời Chúa là gia đình thánh.
Gia đình của chúng ta thì sao ? Là gia đình thánh chưa? Chắc là chưa. Có là gia đình hạnh phúc chưa ? Rất có thể. Để có một gia đình hạnh phúc, yêu thương nhau chưa đủ, cần phải có sự hiểu nhau nữa. Yêu thương nhau mà không hiểu nhau, thì luôn có sự nghi ngờ. Sự nghi ngờ này sẽ xói mòn tình yêu và làm sụp đổ tất cả; làm tan nát một gia đình.
Tình yêu trong hôn nhân và gia đình rất là quan trọng, nhưng sự hiểu nhau thì rất là cần thiết. Nó cần thiết như tiền của trong cuộc sống. Chỉ có yêu thương nhau thôi mà không có tiền của thì làm sao mà sống, làm sao có được một gia đình hạnh phúc. Cùng vậy, chỉ yêu thương nhau thôi mà không có sự hiểu nhau, thì chắc chắn sẽ không có một gia đình hạnh hiệp nhất và phúc được.
Trong tình yêu hôn nhân và gia đình, vật chất cần thiết là tiền của và tinh thần cần thiết là sự hiểu biết nhau. Muốn hiểu biết nhau phải có sự đối thoại, bàn bạc và bình đẳng; không có sự cạnh tranh hay đối kháng.
Trong tông huấn Niềm Vui Yêu Thương (Amoris laetitia), Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô viết: “Đối thoại là điều chủ yếu để kinh nghiệm, diễn tả và nuôi dưỡng tình yêu hôn nhân và gia đình”(số 136). Vì sao ? Đức Giáo Hoàng giải thích: “Vì người nam và người nữ; các bạn trẻ và người lớn có sự truyền đạt khác nhau; ngôn ngữ khác nhau và hành động khác nhau”. Theo tôi, còn có tâm lý khác nhau nữa. Chính do sự khác nhau đó mà chúng ta cần đối thoại.
Đối thoại để chia sẻ những kinh nghiệm mình có; đối thoại để diễn tả tình yêu của mình đối với gia đình và đối thoại để nuôi dưỡng tình yêu trong hôn nhân và gia đình. Nói đến hôn nhân là nói đến hai vợ chồng và nói đến gia đình là nói đến cha, mẹ và con cái.
Đối thoại là để chia sẻ những kinh nghiệm giữa hai vợ chồng với nhau, cũng như giữa cha mẹ và con cái. Đối thoại để diễn tả tình yêu của hai vợ chồng và diễn tả tình yêu của cha mẹ với con cái. Đối thoại là để nuôi dưỡng tình yêu của hai vợ chồng và giữa cha mẹ với con cái.
Điều quan trọng trong đối thoại thái độ tôn trọng lẫn nhau. Mỗi người đều phải nói ra ý kiến của mình và mọi người phải tôn trọng ý kiến đó. Đó chỉ là Ý KIẾN chứ không phải là mệnh lệnh. Nếu là mệnh lệnh thì không có chuyện đối thoại, chỉ có việc thi hành thôi. Mà đã là ý kiến thì không có sự bắt buộc ai cả. Điều đó được biểu lộ qua cung giọng hay thái độ diễn tả.
Cung giọng của một mệnh lệnh sẽ khác với cung giọng của một ý kiến. Thái độ diễn tả của một ý kiến sẽ rất khác với thái độ của một mệnh lệnh, nên ta cần chú ý đến cung giọng và thái độ diễn tả khi ta đưa ra ý kiến.
Mục đích của sự đối thoại là tìm ra cách nào tốt nhất để xây dựng một gia đình hiệp nhất và hạnh phúc. Bởi đó mà mỗi thành viên trong gia đình đều phải có bổn phận và trách nhiệm đưa ra ý kiến để xây dựng gia đình.
Sau khi đưa ra ý kiến thì cần có sự bàn bạc. Bàn bạc là xem coi cách nào tốt nhất, hay nhất mà mọi người đồng ý, không có sự thắng thua ở đây. Trong gia đình mà, chứ đâu phải chiến trường, cũng đâu phải là chợ búa đâu mà hơn với thua; đâu có ai là kẻ thù đâu mà người thắng kẻ bại.
Bàn bạc là để xem mọi khía cạnh của vấn đề, xem đâu là được, đâu là thua; xem đâu là tốt, đâu là xấu; xem đâu là lợi, đâu là bất lợi; xem đâu là phải, đâu là trái. Phải bàn tới, bàn lui, bàn cho kỹ trước khi đi đến quyết định. Có những việc quan trọng, nhất là những việc liên quan đến đời sống đức tin thì còn cần đến việc cầu nguyện nữa. Bàn bạc để tìm ý Chúa. Cũng có khi phải bàn hỏi với những người có kinh nghiệm.
Bàn bạc là tìm những gì tốt là làm, những gì phải là theo, chứ không phải theo người này mà chống người kia hay phải làm cho giống người ta mới được. Gia đình người ta khác, gia đình mình khác, không thể theo mà bắt chước người ta được.
Trong sự đối thoại và bàn bạc cũng phải để ý đến sự bình đẳng. Bình đẳng đây không phải là “cá đối bằng đầu”, mà là ai cũng có một cái đầu, nghĩa là ai cũng là con người. Với tư cách là một con người thì sẽ “bình đẳng trước pháp luật”, tức là có quyền lợi, có bổn phận và có nhân phẩm. Mỗi người trong hôn nhân và gia đình đều có quyền lợi, có bổn phận và có phẩm giá theo cách thế riêng của mình.
Bởi thế, những việc gì liên quan đến ai thì người đó có quyền quyết định, những người khác chỉ có quyền góp ý kiến. Những gì liên quan đến tổng thể gia đình thì phải để cho người chủ gia đình quyết định sau khi đã bàn bạc với mọi thành viên. Tuyệt đối không được bắt ai phải theo ý mình. Vì nếu làm như thế, gia đình trở thành trại lính rồi.
Một điều ta cần chú ý là ai cũng thích làm theo ý mình hết. Nên phải để cho người có “trách nhiệm làm” quyết định và người đó phải chịu trách nhiệm về những quyết định của mình. Vì mình đâu có làm nên mình đâu có hiểu hết được những lý lẽ hay những việc phải làm và phải làm thế nào. Nên tốt hơn hết mình không có chuyên môn, không làm việc đó thì hãy chỉ đưa ra ý kiến mà thôi.
Có độc lập, có tự do thì mới có hạnh phúc. Gia đình cũng vậy, có đối thoại, có bàn bạc, có trao đổi thì gia đình đó hiệp nhất; cuộc hôn nhân đó hạnh phúc. Vì có sự hiệp nhất. Anh nói Em nghe; Em nói anh nghe. Cha mẹ nói con cái nghe; con cái nói cha mẹ nghe. Không hiểu thì phải hỏi để người ta giải thích, không được suy diễn theo ý riêng của mình, kẻo “hư bột hư đường” hết.
Vậy ta hãy noi gương Gia Đình Thánh mà làm cho gia đình của ta hay những tổ chức khác như Dòng Tu hoặc Giáo Xứ của ta nên hạnh phúc, bình an và thánh thiện trong sự hiệp nhất và yêu thương. Đặc biệt ta phải chú ý đến sự đối thoại, bàn bạc và sự bình đẳng, để hiểu biết nhau hơn. Sự hiểu biết đó như tiền của cần thiết cho sự tồn tại và phát triển của tình yêu hôn nhân và gia đình. Càng hiểu biết bao nhiêu thì càng có sự bình an và hạnh phúc bấy nhiêu. Sự hiểu biết như tiền như của, đem lại sự hiệp nhất và hạnh phúc cho gia đình.
Lm. Bosco Dương Trung Tín