Xây dựng những chiếc cầu
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- Lm Dương Trung Tín
Chúa Nhật 3 PS
Xây dựng những chiếc cầu
“Mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm đó họ chẳng bắt được gì cả”(Ga 21,3).
Phê-rô và các bạn đều là những người chài lưới chuyên nghiệp, thế mà suốt cả đêm, họ đã chẳng bắt được một con cá nào. Nhưng khi Chúa Phục Sinh nói: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền thì sẽ bắt được cá” (x.Ga 21,5). Và quả thật các ông đã bắt được rất nhiều cá.
Điều đó, cho thấy, con người chúng ta, dù có giỏi giang cách mấy; dù có hay cách mấy, nhiều khi cùng nhau làm những việc bình thường, cũng đã chẳng thu được kết quả, huống chi là việc cứu độ. Có khi hùa nhau, toàn là làm việc xấu không. Hùa nhau làm việc xấu thì giỏi, chứ làm việc tốt thì không thấy.
Quả thật, nếu không có Chúa, chúng ta chẳng làm được việc gì(x.Ga 15,5). Chính Đức Giê-su đã nói điều đó mà. Bằng chứng là hôm nay, trong bài Phúc Âm, nếu không có Chúa Phục Sinh, thì các Tông Đồ đã chẳng bắt được một con cá nào. Cũng vậy, chúng ta có cùng nhau làm đi nữa, chúng ta sẽ không thu được kết quả gì nếu không có Chúa Phục Sinh.
Nói “Chúa Phục Sinh”, có nghĩa là khi Chúa đã Phục Sinh rồi thì Chúa không còn bị ràng buộc bởi không gian và thời gian nữa. Nếu Chúa không Phục Sinh, thì Chúa chỉ có ở nước Ít-ra-en thôi. Nhưng một khi đã phục sinh rồi, thì Chúa ở khắp mọi nơi, dù là Nhà Thờ, nhà riêng, phòng riêng hay nơi ta làm việc: công sở hay đồng áng; thậm chí dù ở Việt Nam, Mỹ, Nhật hay ở đâu đâu thì Chúa Phục Sinh vẫn có mặt ở đó.
Chúa Phục Sinh ở đó để làm gì? Để nói với ta rằng: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền”. Tại sao không là bên trái, mà là bên phải? Không là bên phải Chúa; cũng không là bên phải Phê-rô mà là bên phải mạn thuyền. Người đi thuyền sẽ biết được bên trái, bên phải thuyền, nhưng chúng ta thì không biết. Dầu vậy, nghĩa bóng của “bên phải” là ta phải làm những việc ta thấy là phải, là tốt, là công minh, là chính trực.
Làm sao ta biết được việc nào phải, việc nào tốt, việc nào công minh và chính trực đây? Thực ra, có những việc ta hiểu rõ, cõ những việc ta không biết rõ được. Khi không biết rõ, ta phải dò hỏi với những người khôn ngoan và từng trải; những người ta tin tưởng; nhất là ta nghe Lời Chúa, xem Chúa nói chuyện đó thế nào. Và một cách thiết thực, khi ta muốn làm cho ai một việc gì đó, mà ta không biết là có tốt hay không; ta cứ đặt mình vào chỗ của người đó. Nếu là ta thì, ta thấy nó tốt hay xấu; ta nhận hay không nhận? Vì đâu có ai muốn người khác làm điều xấu cho mình đâu.
Chính Chúa Phục Sinh nói với các Tông Đồ: “Hãy đem ít các mới bắt được tới đây”. Dù rằng các ông đã thấy có lò than, có cá và bánh trên đó. Chúa nói đem ít cá mới bắt tới, chắc là ít con các nhỏ, để mọi người cùng ăn đó mà. Cá ăn được thì mới đem lại, chứ các độc thì mang lại làm chi. Có mang đến cũng chẳng ai dám ăn.
Cũng vậy, những gì độc hại thì ta chẳng thích bao giờ. Ta mà không thích thì người khác cũng không thích. Đó chính là dấu chỉ cho ta biết việc ta làm xấu hay tốt; phải hay quấy; chính hay tà.
Ta không thích người khác nói hành, nói xấu hay vu khống mình, thì chắc chắn, việc nói hành, nói xấu hay vu khống người khác là việc xấu rồi.
Ta mà không thích người khác xía vào chuyện của mình hay tò mò những việc riêng tư của nình thì chắc chắc, những việc đó là việc quấy rồi.
Ta muốn người khác nói thật với ta thì việc ta nói dối người khác là việc không chính trực rồi. Ta muốn mọi việc phải công khai, minh bạch; thì việc lập lờ, đánh lận con đen là không công minh rồi.
Theo Đức Phan-xi-cô, thì việc tốt, việc phải là việc xây dựng những chiếc cầu, chứ không xây những bức tường.
Nếu ta xây những bức tường, những bờ chắn tức là những việc làm xấu, có ngày, tức nước sẽ vỡ bờ, sập tường và nói sẽ tràn ngập và đè bẹp ta thôi.
Nếu ta xây những chiếc cầu, tức là xây dựng những mối tương quan tốt đẹp giữa người với người trong sự tôn trọng, trong sự yêu thương, trong sự chân tình và chân thành thì ta đang làm những việc tốt, việc phải cho mình và cho người khác. Nó tạo nên một dòng chảy, lưu thông. Mà ở đâu có sự lưu thông là ở đó có sự sống và sự sống phát triển; cũng như các mối tương quan cũng sẽ sống động và phát triển tốt.
Là những tín hữu Công Giáo, ta cần xây dựng đời sống đức tin của ta cũng như của người khác. Ta phải xây dựng đức tin của ta bằng Lời Chúa và bằng việc cầu nguyện. Chỉ có Lời Chúa và đời sống cầu nguyện mới làm cho đức tin của ta ngày càng mạnh mẽ; đời sống nội tâm của ta sâu lắng. Đó là việc tốt, việc phải.
Vậy ta hãy làm cùng với Chúa Phục Sinh; hãy cầu nguyện trong Chúa Phục Sinh và xây dựng đời sống đức tin của ta nhờ Chúa Phục Sinh, để đức tin của ta ngày càng mạnh mẽ; bây giờ ta lãnh nhận được ân sủng Chúa và ngày sau ta được phục sinh và sống với Chúa mãi mãi trên thiên đàng.
Lm. Bosco Dương Trung Tín