Thịt Chúa thật là của ăn và Máu Chúa thật là của uống
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- Lm Dương Trung Tín
Chúa Nhật lễ Mình và Máu Đức Ki-tô A
Thịt Chúa thật là của ăn và Máu Chúa thật là của uống
Đức Giê-su Ki-tô nói : “Thịt Tôi thật là của ăn và máu Tôi thật là của uống” (Ga 6,55).
Thịt và máu chính là thân xác; là chính sự sống thể xác của con người chúng ta. Nhưng Thịt và Máu Đức Ki-tô khác chúng ta một chút. Vì Đức Giê-su vừa là người, vừa là Thiên Chúa, nên ngoài sự sống thể xác con người, Đức Giê-su Ki-tô còn có sự sống đời đời nữa, với tư cách là Thiên Chúa.
Con người chúng ta có sự sống của thể xác và sự sống của linh hồn. Để duy trì sự sống thể xác, chúng ta ăn bánh mì, ăn cơm, ăn trái cây,... Rồi chúng ta uống nước, uống sữa, uống trà,..... Điều đó ai trong chúng ta cũng biết và cũng hiểu rõ hết. Không ăn, không uống chúng ta sẽ chết.
Còn sự sống linh hồn của chúng ta thì sao? Thường về điều này chúng ta ít quan tâm hơn. Như vậy là chúng ta “nhất bên trọng nhất bên khinh rồi”. Chúng ta có hai sự sống, mà tại sao chúng ta lại chỉ có lo cho có một phía thôi vậy. Trong ngày lễ kính Mình và Máu Đức Ki-tô hôm nay sẽ cho chúng ta một cái nhìn khách quan và chính xác hơn để chúng ta lo cho sự sống linh hồn của mình. Vì Đức Giê-su đã nói: “Thịt Tôi thật là của ăn và máu Tôi thật là của uống”.
Người ta đã tranh luận : “Làm sao ông này có thể ăn thịt ông ta được?”(x. Ga 6, 52). Đâu có ai ăn thịt người đâu cơ chứ? Vậy thì tại sao Đức Giê-su lại nói như thế? Do đó, chắc phải có một ý nghĩa khác khi Đức Giê-su nói vậy. Chúa nói : “Ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi, thì được sống muôn đời và Tôi sẽ cho người đó sống lại vào ngày sau hết” (x. Ga 6, 54). Đây chính là ý nghĩa mà Chúa muốn nói.
Thịt và Máu Chúa đem lại sự sống đời đời. Bởi đó, Thịt và Máu Chúa sẽ là của ăn, của uống cho linh hồn chúng ta. Thịt và Máu đó đã được dâng hiến trên Bàn Thờ - Thập Giá. Trên BÀN THỜ - THẬP GIÁ, là muốn nói lên rằng : ngày xưa Đức Giê-su dâng Mình trên Thập Giá và ngày nay được dâng trên Bàn Thờ. Hy lễ đó chúng ta gọi là Thánh Lễ. Nhưng Thánh Lễ là gì?
“Thánh lễ là một hy tế, vì hiện tại hóa hy tế thập giá, vì tưởng niệm và ban phát hiệu quả của hy tế này” (x. GLCG, số 1366).
“Hy tế của Đức Ki-tô và hy tế Thánh Thể chỉ là một. Lễ vật duy nhất là Đức Ki-tô. Xưa chính Người dâng trên thập giá, nay được dâng lên nhờ thừa tác vụ Linh Mục. Chỉ khác biệt ở cách dâng: “Vì trong hy lễ thần linh được cử hành trong Thánh Lễ, chính Đức Ki-tô, Đấng đã một lần dâng mình bằng cách đổ máu trên bàn thờ thập giá, cũng hiện diện và được sát tế mà không đổ máu, nên hy tế này thực sự có giá trị đền tội” (x. GLCG, số 1367).
Trong Giáo Hội Công Giáo, Thánh Thể chỉ được cử hành trong Thánh Lễ mà thôi: “Cho dù khẩn thiết tột độ, tuyệt đối cấm chỉ truyền phép một chất thể này mà không có chất thể kia, hoặc truyền phép cả hai ở ngoài Thánh Lễ” (x. Giáo luật, số 927).
Có nghĩa là không bao giờ được phép chỉ truyền phép bánh mà không có rượu; cũng như truyền phép chỉ có rượu mà không có bánh hoặc có cả bánh và rượu nhưng lại làm ngoài Thánh Lễ. Nói cách khác, nếu chỉ truyền phép một chất thể là bánh hay rượu trong Thánh Lễ và truyền phép có cả bánh và rượu nhưng ở ngoài Thánh Lễ, thì việc truyền phép đó không thành, tức là bánh và rượu không trở thành Mình và Máu Chúa. Bánh vẫn là bánh và rượu vẫn là rượu.
Chúng ta có thể tự hỏi Chúa hiện diện nơi Bánh và Rượu thế nào?
“Cách thức Đức Ki-tô hiện diện dưới hai hình Thánh Thể là cách độc nhất vô nhị. Người đặt bí tích Thánh Thể trên mọi bi tích để trở nên “như sự trọn hảo của đời sống thiêng liêng và cùng đích của mọi bí tích. Trong bí tích cực thánh, “có sự hiện diện đích thực, thực sự và bản thể của Mình và Máu Đức Ki-tô, cùng với linh hồn và thiên tính của Người, nghĩa là Đức Ki-tô trọn vẹn”. “Sự hiện diện này được gọi là “thực sự”, không có nghĩa là Đức Ki-tô không hiện diện thực sự trong những cách khác, nhưng đây là cách hiện diện đầy đủ nhất, vì là sự hiện diện bản thể, và nơi đây có Đức Ki-tô, vừa là Thiên Chúa, vừa là con người, hiện diện trọn vẹn” (x. GLCG , số 1374).
Và Chúa hiện diện cách nào?
“Trong bí tích này, Đức Ki-tô hiện diện nhờ sự biến đổi bánh và rượu thành Mình và Máu Người. Các Giáo Phụ khẳng định Hội Thánh tin rằng sự biến đổi này có được là nhờ hiệu quả của Lời Đức Ki-tô và tác động của Thánh Thần” (x. GLCG, số 1375).
Chúng ta thấy, sau khi đọc Thánh Thánh Thánh, bắt đầu việc truyền phép, Linh mục đọc : “Vì thế chúng con nài xin Chúa, dùng ơn Thánh Thần thánh hóa những lễ vật này, để trở nên cho chúng con, mình và Máu Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng con”. Đó chính là tác động của Thánh Thần.
Sau đó, Linh Mục đọc, chính Lời Đức Giê-su đã đọc trong bữa tiệc ly: “Tất cả các con hãy nhận lấy mà ăn, vì này là Mình Thầy.... và tất cả các con hãy nhận lấy mà uống, vì này là chén máu Thầy.....”. Sau lời đọc này, Bánh trở nên Mình Chúa và Rượu trở thành Máu Chúa.
Chúng ta cũng tự hỏi, Chúa ngự trong hình bánh và hình rượu bao lâu?
“Đức Ki-tô hiện diện trong Thánh Thể bắt đầu từ lúc truyền phép và kéo dài bao lâu hình bánh rượu tồn tại. Trong hình bánh cũng như hình rượu, Đức Ki-tô hiện diện trọn vẹn. Và trong bất cứ phần nhỏ bé nào cũng có trọn vẹn Mình và Máu Chúa. Việc bẻ bánh không phân chia Đức Ki-tô” (x. GLCG, số 1377).
Nghĩa là Đức Ki-tô hiện diện trong Thánh Thể bắt đầu từ lúc truyền phép cho đến khi bánh không còn là bánh và rượu không còn là rượu; bánh không ăn được và rượu cũng không uống được nữa. Tức là khi Bánh đã hư hoặc mốc hay Rượu đã chua thì Chúa không còn hiện diện ở đó nữa.
Bởi đó, trong Giáo luật có viết : “Tại những nơi lưu trữ Thánh Thế, luôn luôn phải có người chăm nom và trong mức độ có thể, một tư tế phải cử hành Thánh Lễ ít nhất mỗi tháng hai lần” (x. GL, số 934, triệt 2). Để làm chi? Để thay Bánh Thánh Thể mới, kẻo để lâu quá, Bánh có thể bị hư và Chúa không còn hiện diện ở đó nữa. Và nếu có ai đến thờ lạy, coi chừng là thờ “ngẫu tượng”, vì Chúa không diện diện ở đó. Nếu có rước lễ, thì coi chừng bị đau bụng.
“Trong hình Bánh cũng như hình Rượu, Đức Ki-tô hiện diện trọn vẹn”, nên các tín hữu chỉ rước Mình Chúa cũng có trọn vẹn Chúa, cả Mình và Máu Chúa. Vì là BÁNH HẰNG SỐNG, là “THỊT SỐNG”, nên có cả máu nữa.
“Và trong bất cứ phần nhỏ bé nào cũng có trọn vẹn Mình và Máu Chúa. Việc bẻ bách không phân chia Đức Ki-tô”. Tức là có khi thiếu Bánh cho rước lễ, Linh Mục bẻ nhỏ Bánh Thánh Thể ra, khi ta rước thì ta đừng sợ Chúa bị chia nhỏ ra. Không. Chúa vẫn hiện diện trọn vẹn, dù là một phần nhỏ đã bẻ ra. Điều này chúng ta có thể chứng nghiệm, khi một tấm kính hay tấm gương mà bị bể nhỏ ra, chúng ta soi vào đó vẫn thấy toàn khuôn mặt của ta, chứ không chỉ thấy con mắt hay lỗ mũi.
“Như của ăn vật chất mang lại sự sống cho thể xác thế nào, việc rước lễ cũng đem lại sự sống kỳ diệu cho đời sống thiêng liêng như vậy” (x. GLCG, số 1392). Bởi đó, chúng ta đừng “Nhất bên trọng, nhất bên khinh”, hãy lo của ăn của uống cho thân xác cũng như cho linh hồn của ta. Đừng chỉ lo cho sự sống của thân xác mà không lo cho sự sống của linh hồn; kẻo thân xác thì mập mạp, còn linh hồn thì ốm o gầy còm như cây que. Nếu như vậy, thì linh hồn ta làm sao có sức lên thiên đàng được. Chúng ta phải lo cho cả hai được khỏe mạnh, nó như chiếc xe có hai bánh, sẽ chạy bon bon từ thế gian về thiên đàng.
Thức ăn và thức uống cho linh hồn chúng ta chính là Mình và Máu Đức Ki-tô và chúng ta sẽ rước lấy trong Thánh Lễ. Qua những điều chúng ta đã nói ở trên về Thánh Thể, chúng ta hãy có một lòng tin vững chắc về sự hiện diện của Chúa trong Thánh Thể. Chúng ta hãy tôn kính và thờ lạy Thánh Thể, cũng như siêng năng tham dự Thánh Lễ để được rước Mình và Máu Thánh Chúa, làm của nuôi linh hồn, nuôi sống sự sống đời đời của ta. Vì “Thịt Chúa thật là của ăn và máu Chúa thật là của uống” cho linh hồn con người chúng ta đó.
Lm. Bosco Dương Trung Tín