Nhảy đến nội dung

Như bụi cây cháy mà không rụi, Bố Thí, cũng vậy.

CN 3 MC  ( C )           

Như bụi cây cháy mà không rụi, Bố Thí, cũng vậy.

  Thiên Sứ của Đức Chúa hiện ra với ông trong đám lửa giữa bụi cây. Ông Mô-sê nhìn thấy bụi cây cháy bừng nhưng bụi cây không bị thiêu rụi” (Xh 3,2-3).

  Bụi cây cháy mà không bị thiêu rụi. Đó là việc của Thiên Chúa làm chứ con người làm không được. Có bao giờ ta thấy cháy nhà hay cháy rừng chưa ? Ta thấy sau đám cháy chẳng còn thứ gì còn nguyên cả. Theo tôi, hình ảnh bụi cây cháy mà không bị thiêu rụi có thể cho ta hiểu về việc bố thí. Bố thí nghĩa là cho đi mà không bị hao hụt. Điều này cũng hơi khó hiểu. Thường thì ta sẽ nghĩ, cho đi ta sẽ bị hao, bị hụt chứ, sao lại không bị hao hụt là sao? Ta cùng tìm hiểu về việc này.

  Bố thí là một trong ba việc lành phúc đức, đó là cầu nguyện, ăn chay và bố thí. Đức Giê-su đã dạy về việc bố thí như sau: “Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống như bọn giả hình thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để cho người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. còn anh em, khi bố thí đừng để tay trái biết việc tay phải làm, để việc bố thí của anh em được kín đáo. Và Cha của anh em Đấng thấu suốt những gì kín đáo sẽ trả lại cho anh em” (x.Mt 6,2-4).

  Ngày nay, ta thấy cũng có rất nhiều người làm việc bố thí; cũng không ít những người làm để cho người ta khen, ngay cả trong giới Linh Mục và Tu Sĩ. Nếu thật sự là như như vậy thì như Lời Đức Giê-su đã nói thì họ đã được phần thưởng rồi, nên Chúa sẽ không ban phần thưởng gì hết. Cũng có những người làm cách âm thầm, không cho ai biết. Như vậy, họ sẽ được lãnh phần thưởng từ Chúa.

  Như thế là do mục đích ta làm là vì tiếng khen của người đời hay vì phần thưởng của Chúa, điều đó do ta lựa chọn và quyết định.

  Theo thánh Lê-ô Cả Giáo Hoàng thì: “Hành động đạo đức này còn gọi là việc thương người; vì bao gồm nhiều cử chỉ đáng khen của lòng nhân ái. Như vậy, giữa các tín hữu, dù khả năng vật chất không đồng đều, nhưng tấm lòng có thể như nhau” (Trích Bài đọc 2, Thứ Năm sau Lễ tro, Kinh Sách”.

  Còn theo thánh Gio-an Kim Khẩu, thì “Con đường sám hối thứ 4 là Bố thí. Việc này có hiệu lực rộng rãi”. Việc bố thí có hiệu lực rộng rãi thế nào? Đức Giê-su đã nói về hiệu lực rộng rãi của việc bố thí này vào ngày tận thế. Chúa sẽ xét xử mọi người chúng ta về vấn đề này. Hiệu lực rộng rãi đó là “Ta làm cho chính Chúa” và “ta sẽ được thừa hưởng Vương Quốc đã dọn sẵn từ tạo thiên lập địa” (x. Mt 25, 34; 40).

  Việc đó xảy ra như sau: Khi Con Người đến trong vinh quang, có tất cả các Thiên Sứ theo hầu. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người và Người sẽ tách biệt họ như mục tử tách biệt chiên với dê. Chiên thì Người cho đứng bên phải; dê thì Người cho đứng bên trái. Bấy giờ người phán với những người đứng bên phải rằng: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến mà thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các người từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi cho ăn; Ta khát các người cho uống; Ta mình trần, các người cho mặc; ta đau yếu, các người đã viếng thăm; ta ngồi tù, các người đã đến hỏi han”.

  Bấy giờ những người này thắc mắc, có bao giờ chúng tôi thấy…..Nhưng Chúa trả lời: “Mỗi lần các người làm cho một trong những kẻ bé mọn này của Ta đây, là các người đã làm cho chính Ta”. Và ngược lại thì “mỗi lần các người không làm….là các người đã không làm cho chính Ta. Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp; còn những người công chính ra đi để được hưởng sự sống muôn đời”.

  Hai nhóm người, hai số phận khác biệt. Điều này không do Chúa mà do mỗi người tự quyết định. Có khi ta xin Chúa: “Đừng xếp con vào hàng bên trái, nhưng vào bên hữu với chiên ngoan”. Mình có ngoan, có làm điều tốt gì cho ai đâu mà đòi, mà xin như thế. Chúa có muốn xếp cũng chẳng được. Có muốn xếp như thế thì ngày đời này, ngay bây giờ hãy sống tốt lành và thánh thiện; hãy làm việc lành mà giúp đỡ người khác đi. Khỏi cần xin, ngày sau chắc chắn ta sẽ được xếp vào hàng bên phải thôi.

  Không thấy Chúa hỏi: con được rửa tội bao nhiêu năm; con đi lễ được bao nhiêu lần; con đọc kinh được bao nhiêu kinh? Cũng không thấy Chúa hỏi con là Giáo Hoàng; Giám Mục, Linh Mục, Tu sĩ hay Tổng Thống; mà chỉ hỏi về việc bố thí mà thôi.

  Câu hỏi được đặt ra là: Vậy thì tôi rửa tội để làm gì; tôi đi lễ để làm gì; tôi đọc kinh để làm gì; tôi đi tu để làm gì ? Câu trả lời, đó là để ta nên thánh nên thiện và làm việc bố thí. Mà việc bố thí là “Thương người, giúp người” đó. Nếu Chúa có hỏi thì Chúa sẽ hỏi ta rằng: Con đã được rửa tội; con đã đi lễ nhiều; con đã đọc kinh nhiều; con là người tu trì, vậy thì con có nên thánh, nên thiện chưa; con có làm việc bố thí, thương người, giúp người như Ta đã dạy cho con không? Lúc đó, thì ta trả lời thế nào đây???????

  Nếu có, thì hạnh phúc cho ta biết dường nào. Nếu không thì khốn cho ta dường bao !!!!!!!!!!!!!!!!!!!

  Trong Tin Mừng, có một người thanh niên hỏi Chúa về sự sống đời đời: “Lạy Thầy nhân lành, con phải làm gì để được sự sống đời đời?”. Chúa trả lời: “Nếu anh muốn nên hoàn thiện thì hãy đi bán tài sản anh có và đem cho người nghèo. Anh sẽ được một kho tàng ở trên trời, rồi hãy theo Tôi”. Nghe lời đó, anh ta buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.( x.Mt 19, 16-22).

  Chắc là anh ta không tin có đời sau? Tin chứ! Bởi tin nên anh ta mới hỏi Chúa phải làm gì để được sống đời đời mà. Quả thực anh ta tin nhưng anh ta vẫn mê của cải đời này hơn là hạnh phúc đời sau, nên anh ta không dám mạo hiểm đầu tư. Còn chúng ta, chúng ta có đức tin, chúng ta là người Công Giáo La-mã, chúng ta có dám mạo hiểm đầu tư không? Có dám cho đi không ?

  Hôm nay, tôi trích Lời của Đức Giê-su và lời của các thánh chứ không phải là lời của tôi, để nói về việc bố thí, việc cho đi này. Nên chúng ta đừng sợ đầu tư, nhưng hãy gẫm xem hình ảnh “Bụi cây cháy mà không bị thiêu rụi”, để gia tăng lòng tin và sức mạnh giúp chúng ta bố thí, giúp chúng ta thương người và giúp người.

  Nếu chúng ta làm việc bố thí theo Lời Chúa dạy, thì ta đã làm cho chính Chúa và việc ta làm đó sẽ không tàn lụi theo năm tháng, nhưng sẽ là một mối lợi to lớn cho chính ta ở đời sau. Nói các khác, ta dùng của cải chóng qua ở đời này mà mua lấy Nước thiên đàng cho ta.

Hơn nữa, bố thí, cho đi cũng có nghĩa là ăn năn sám hối của ta nữa. Một đàng là ta đền trả cho những ai mà ta đã cách này cách kia làm thiệt hại cho họ; ta đã chiếm cách bất công; ta đã hớt tay trên của họ; ta đã lợi dụng, đã bóc lột công sức của họ. Đàng khác là ta làm việc lành phúc đức, để lập công; để nên thánh, nên thiện.

  Vậy ta hãy thực hành việc bố thí và cho đi; nói tóm là “Thương người” này trong Mùa Chay cũng như trong cuộc đời dương thế của ta, theo khả năng mình có.

Là người Công Giáo Việt Nam, chúng ta không thể không biết đến việc thương người có 14 mối: thương xác 7 mối và thương hồn 7 mối. Đó là những việc làm cụ thể, được gọi là bố thí; là cho đi, là thương người đó.

  Thương xác 7 mối: 1. Cho kẻ đói ăn; 2. Cho kẻ khát uống; 3. Cho kẻ rách rưới ăn mặc; 4. Viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc; 5. Cho khách đỗ nhà; 6. Chuộc kẻ làm tôi; 7. Chôn xác kẻ chết.

  Thương linh hồn 7 mối: 1. Lấy lời lành mà khuyên người; 2. Mở dạy kẻ mê muội; 3. An ủi kẻ âu lo; 4. Răn bảo kẻ có tội; 5. Tha kẻ dể ta; 6. Nhịn kẻ mất lòng ta; 7. Cầu cho kẻ sống và kẻ chết.

  Tùy theo khả năng mình có mà ta làm được mối nào thì hay mối đó; làm càng nhiều càng tốt. Đời này, ta sẽ có được một tâm hồn thanh thản, nhẹ nhàng, siêu thoát khỏi của cải, danh vọng thế gian; đời sau ta sẽ có một kho tàng ở trên trời và được thừa hưởng sự sống trên thiên đàng vĩnh cửu.

Ta hãy mạnh mẽ tin rằng: Như “bụi cây cháy mà không rụi” thế nào thì việc bố thí của ta cũng sẽ không bị qua đi và không tàn lụi như thế.

Lm. Bosco Dương Trung Tín

Tác giả: