Nhảy đến nội dung

Chúng ta sống ở đời này để làm gì?

Chúng ta sống ở đời này để làm gì?

“Nếu các ông không ăn năn hối cải thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy” (Lc 13,3).

 Nước Nhật ngày nay, mặc dù là một nước phát triển, về kinh tế thì đứng thứ hai trên thế giới. Nhưng số tử tự cũng cao nhất thế giới. Từ học sinh tiểu học trở lên. Theo đài Vietcatholic, trong năm nay, có đến 13.000 vụ, trong khi người chết vì covid chỉ khoảng 2000. Tại sao?

  Chúng ta thấy, một trong những lý do là do quá thực dụng, chỉ biết lo có tiền và hưởng thụ, mà quên đi cái tinh thần, nhất là về mặt linh thiêng. Họ chỉ lo của ăn vật chất; lo sao cho có nhiều tiền và hưởng thụ. Đây chỉ là cái ngọn; còn cái gốc là đời sống tinh thần; đời sống thiêng liêng. Bởi thế, cuộc sống ngày càng khốc liệt và nhất là trong mùa đại dịch covid nữa thì càng thêm khó khăn và số tự tử lại càng tăng cao. Nói tóm là họ không biết sống ở đời này để làm gì?

    Còn chúng ta, chúng ta sống ở đây để làm gì? Nếu chúng ta không có câu trả lời hay có mà lại sai thì như Lời Chúa nói : chúng ta cũng sẽ chết hết như vậy. Mặc dù, chúng ta còn sống nhưng cũng như đã chết rồi vậy. Nếu chúng ta chỉ lo về kinh tế; chỉ lo làm việc mà quên đi đời sống thiêng liêng thì hậu quả sẽ khôn lường. Đến một lúc nào đó, chúng ta sẽ chán nản; không bỏ cuộc thì cũng chỉ sống lây lất cho qua ngày; không có sức sống; không có sự tiến triển.

   Mỗi ngày, ngủ dậy, đọc kinh, dâng lễ, ăn uống, làm việc, lại ngủ và cứ thế....Rồi ngày nào cũng có bấy nhiêu công việc, làm đi làm lại,....

    Mỗi người chúng ta phải có câu trả lời cho chính mình : Tôi sống ở đời để làm gì? Phải chăng là để coi xứ, giúp xứ; làm việc ở nhà trẻ, nấu ăn,....hay để truyền giáo, để cứu các linh hồn,..... Không chính xác. Hoặc để nên hoàn thiện; để nên thánh, nên thiện? Chính xác. Đây chính là mục đích sống của đời chúng ta đó.

    Chúng ta phải ghi nhớ điều này như kim chỉ nam, để mỗi ngày khi thức dậy; khi cầu kinh nguyện ngắm; khi làm việc, chúng ta luôn ý thức là chúng ta sống ở đời này để nên HOÀN THIệN, như Cha chúng ta trên trời là Đấng hoàn thiện (x. Mt 5,48). Nên hoàn thiện là chúng ta nên trưởng thành về nhân bản và tâm linh.

    Mỗi ngày, chúng ta phải trưởng thành hơn về nhân bản cũng như về tâm linh. Trưởng thành về nhân bản, khi chúng ta có 4 đức tính căn bản là khôn ngoan, công bình, can đảm và tiết độ. Điều đó có nghĩa là mỗi ngày chúng ta phải khôn ngoan hơn; công bình hơn; cam đảm hơn; tiết độ hơn.

   Đức ngôn khoan. “Đức khôn ngoan giúp lý trí thực tiễn nhận ra điều thiện đích thực trong mọi hoàn cảnh và lựa chọn những phương thế tốt để đạt tới” (GLCG,số 1835).

    Bởi đó, sống ở trên đời, chúng ta cần đức khôn ngoan này lắm. “Khôn ngoan quí hơn cả chân trâu, không bảo vật nào của con so sánh nổi” (x. Cn 3,15). Chúng ta phải cầu xin và liên tục học hỏi để chúng ta có được sự khôn ngoan này. Sự khôn ngoan này sẽ giúp ta nhận ra điều thiện đích thực trong mọi hoàn cảnh và lựa chọn những phương thế tốt để thành công và đạt được những gì mình muốn.

   Đời thì “thượng vàng hạ cám”; có bao nhiêu điều, có bao nhiêu hoàn cảnh mà chúng ta cần có sự khôn ngoan để giải quyết và đối xử cho phù hợp, cho đẹp, cho đúng. Thế nhưng chúng ta lại ít đầu tư; chúng ta chỉ ham đầu tư vào những gì để chúng ta có tiền, có của, có danh vọng mà thôi.

  “Đức công bình thể hiện qua quyết tâm trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa và trả cho tha nhân những gì thuộc về tha nhân” (số 1863).

   Theo nghĩa này, chúng ta phải trả về hết cho Thiên Chúa, vì có gì là của con người chúng ta đâu. Mọi sự đều do Thiên Chúa tạo dựng và là của Thiên Chúa hết, nên chúng ta phải ưu tiên dành cho Thiên Chúa trước. Còn đối với tha nhân, trong mối tương quan và sở hữu Chúa ban, chúng ta không được hớt tay trên, ăn chặn, dưới bất kỳ hình thức nào về của cải tinh thần cũng như vật chất.

  Đức can đảm. “Đức can đảm giúp chúng ta kiên trì quyết tâm theo đuổi điều thiện giữa những khó khăn trong đời” (số 1837).

 Con người chúng ta yếu đuối hay sợ và bỏ giữa chừng. Đức can đảm sẽ giúp ta kiên trì và làm cho tới cùng, dù có khó khăn hay vất vả. Chúng ta can đảm đối mặt với những khó khăn, chịu đựng những vất vả, chúng ta sẽ chiến thắng và thành công.

   Đức tiết độ. “Đức tiết độ giúp ta điều tiết sự lôi cuốn của những lạc thú và sử dụng chừng mực những của cải trần thế” (số 1838).

   Đức tiết độ giúp chúng ta làm gì hay sử dụng cái gì cho có chừng có mực; không thái quá cũng không bất cập, nhưng quân bình; Không đua đòi, nhưng không làm chúng ta lạc hậu; không ăn quá độ, không uống quá chén; không làm quá sức; không ngủ quá nhiều; không lười quá đáng; vv....

   Quả thực, “Các nhân đức luân lý này tăng trưởng nhờ giáo dục; nhờ các hành vi chủ ý và nhờ kiên trì tập luyện. Nhờ ân sủng của Thiên Chúa các đức tính được thanh luyện và nâng cao”(số 1839). Bởi đó, chúng ta phải tích cực học hỏi, tự giác ý thức và tập luyện thường xuyên; đồng thời nhờ ân sủng của Chúa giúp sức, chúng ta có được bốn đức tính căn bản này. Có thể nói, bốn đức tính nhân bản này là nhân đức đối nhân. Nghĩa là đối với con người chúng ta, bốn nhân đức này là quan trọng.

   Để trưởng thành về tâm linh thì chúng ta phải sống với ba nhân đức đối thần là Tin, Cậy, Mến.

“Có ba nhân đức đối thần là đức tin, đức cậy và đức mến. Ba nhân đức này định hình và làm sinh động mọi nhân đức luân lý” ( số 1841).

   “Các nhân đức đối thần giúp người ki-tô hữu sống với Thiên Chúa Ba Ngôi. Thiên Chúa là căn nguyên và đối tượng của các nhân đức đối thần: Đấng được nhận biết nhờ đức tin, được cậy trông và yêu mến vì chính Người” (số 1840).

   Như vậy, đối tượng trực tiếp của đức tin, đức cậy và đức mến là chính Chúa, nên gọi là nhân đức đối thần.

   Đức tin. “Nhờ đức tin chúng ta tin vào Thiên Chúa và tin tất cả những điều Người đã mặc khải cũng như những gì Hội Thánh dạy phải tin” (số 1842).

   Như thế, những gì chúng tin vào Thiên Chúa, như chúng ta tin có
Thiên Chúa; chúng ta tin Chúa là Đấng Tạo thành trời đất muôn vật; chúng ta tin Chúa là Đấng công bằng; chúng ta tin Chúa là Đấng nhân từ; chúng ta tin Chúa là Đấng phán xét công minh; chúng ta tin Chúa sẽ trả lại sự công bằng cho ta, không ở đời thì ở đời sau; chúng ta tin Chúa hằng sống; chúng ta tin Chúa giàu lòng xót thương; chúng ta tin Chúa thông biết mọi sự, vv...; rồi những gì chúng ta làm theo Lời Chúa dạy, tức là chúng ta sống Lời Chúa và thực hành Lời Chúa trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta và những gì chúng ta làm theo sự hướng dẫn của Giáo Hội là những việc làm vì đức tin.

   Đức cậy. “Nhờ đức cậy, chúng ta khao khát và mong chờ với xác tín rằng Thiên Chúa sẽ ban cho ta sự sống vĩnh cửu và các ân sủng để chúng ta xứng đáng hưởng sự sống đó” (số 1843).

   Như vậy, những gì chúng ta làm để hưởng ân sủng và sự sống vĩnh cửu- chứ không phải tiền của hay danh vọng- là những việc làm của đức cậy. Như chúng ta đọc kinh, cầu nguyện, dâng lễ; đọc và suy niệm Lời Chúa; làm việc bác ái; hy sinh giúp đỡ người khác; kiên nhẫn và chịu đựng những vất vả cũng như những người khác,....

    Đức mến. “Nhờ đức mến, chúng ta yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, và vì yêu mến Thiên Chúa, chúng ta yêu mến người thân cận như chính bản thân mình” (số 1844).

   Như vậy, những gì chúng ta làm vì yêu mến Chúa và tha nhân là những việc làm vì đức mến. Nói tóm là vì một chữ “yêu” mà ta làm. Làm vì yêu cũng khó nhọc lắm chứ không phải chuyện chơi; nhiều khi mình làm vì ý tốt mà người ta lại nghĩ xấu; đi nói xấu, nói hành chẳng hạn, nhưng vì lòng mến Chúa yêu người chúng ta sẵn sàng chấp nhận tất cả.

   Quả thực, “Các nhân đức luân lý này tăng trưởng nhờ giáo dục; nhờ các hành vi chủ ý và nhờ kiên trì tập luyện. Nhờ ân sủng của Thiên Chúa các đức tính được thanh luyện và nâng cao”(số 1839). Bởi đó, chúng ta phải tích cực học hỏi, tự giác ý thức và tập luyện thường xuyên; đồng thời nhờ ân sủng của Chúa giúp sức, chúng ta có được bốn đức tính căn bản này. Có thể nói, bốn đức tính nhân bản này là nhân đức đối nhân. Nghĩa là đối với con người chúng ta, bốn nhân đức này là quan trọng.

    Chúng ta không chỉ là người như bao người khác, chúng ta còn là Linh Mục, tu sĩ, người tín hữu nên chúng ta cần sống bốn đức tính đối nhân và ba nhân đức đổi thần trong cuộc sống của mình.

   Vậy chúng ta hãy mang lấy ba nhân đức đối thần là đức tin, đức cậy và đức mến mà sống. Sao cho chúng ta có một đức tin sống động; một đức cậy vững vàng và một đức mến nồng nàn. Nhớ đó, các việc làm của chúng ta có giá trị trước mặt Chúa và đem lại ơn cứu độ cho chúng ta. Làm vì đức tin, đức cậy và đức mến là làm với sức mạnh của Thiên Chúa, có Thánh Thần và có một niềm xác tín sâu xa. Nó sẽ giúp chúng ta sống khôn ngoan, công bình, can đảm và tiết độ; bền vững và kiên định làm điều thiện ở đời này.

   Quả vậy, sống với Ba nhân đức đối thần và với Bốn nhân đức đối nhân, mỗi ngày chúng ta sẽ có một sức sống mới, một tinh thần mới. Chúng ta sẽ trưởng thành hơn về nhân bản cũng như về tâm linh. Chúng ta sẽ nên hoàn thiện mỗi ngày một hơn. Đó chính là mục đích sống của chúng ta đó. Chúng ta sống ở đời này là để nên hoàn thiện.

                                                                                            

Lm. Bosco Dương Trung Tín

Tác giả: