Nhảy đến nội dung

Người môn đệ Chúa phải biết chịu đòn

Người môn đệ Chúa phải biết chịu đòn

   Trong bài ca thứ ba của người tôi tớ (Is 50,4-7), đã phác họa hình ảnh của một người môn đệ, một người môn đệ biết chịu đòn.

   “Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn;

   giơ má cho người ta giật râu.

  Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc, phỉ nhổ.

  Có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi,

  vì thế tôi đã không hổ thẹn, tôi trơ mặt ra như đá.

  Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng” (Is 50,6-7).

   Đức Giê-su đã thực hành điều đó trong cuộc thương khó của Ngài. Lời tiên tri của I-sa-ia đã nói về chính Đức Giê-su Ki-tô. Đức Giê-su đã bị đánh đòn, bị giật râu, bị mắng nhiếc, phỉ nhổ, nhưng Ngài đã để cho người ta làm vậy. Vì sao? Vì Ngài đến để thực thi chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Vì thế mà Đức Giê-su đã không hổ thẹn; cứ trơ mặt ra như đá, không thẹn thùng. Nói cách khác, là người môn đệ Chúa là phải biết chịu đòn.

   Chúng ta là những tín hữu ki-tô, là người môn đệ của Chúa, chúng ta cũng phải là những người môn đệ biết chịu đòn như Đức Giê-su vậy. Chúng ta chịu đòn bằng cách nào đây? Đương nhiên chúng ta không thể chịu thương khó như Đức Giê-su theo nghĩa đen, nhưng theo nghĩa thiêng liêng.

   Chúng ta “đưa lưng cho người ta đánh đòn; giơ má cho người ta giật râu”, có nghĩa là chúng ta “chấp nhận” những khó khăn, những vất vả, những gian truân trong cuộc đời. Sự “đưa lưng”, sự “giơ má” cho thấy đó là sự “chấp nhận”, nghĩa là  mình vui lòng chấp nhận chứ không bị ép buộc, mà lẩm bẩm kêu ca.

   Nhiều khi chúng ta cao hứng quá, muốn “đi tìm”, muốn có “nhiều những khó khăn, những vất vả, những gian truân” để hy sinh, để hãm mình. Đến khi chịu không nổi lại lẩm bẩm kêu ca, than trời trách Chúa: “Tại sao Chúa lại để cho tôi thế này” ? Thế có phải là “sôi hỏng bỏng không” không?

   Không. Chúng ta cần kiểu “đạo đức giả” đó, chẳng có hay ho hay có giá trị gì. Tốt hơn chúng ta hãy chấp nhận những khó khăn, những vất vả, những gian truân trong đời mỗi khi chúng đến với chúng ta. Chúng ta hãy bình tĩnh để đón nhận và chấp nhận những điều đó như một “qui luật” sinh tồn và như một của lễ dâng tiến; không lẩm bẩm kêu ca; không than trời trách đất.

  Còn “không che mặt khi bị mắng nhiếc, phỉ nhổ”, đó là khi chúng ta bị những hiểu lầm; khi bị vu khống; khi bị nói hành, nói xấu. Chúng ta không bịt tai, không che mặt, nhưng bình tâm suy nghĩ và cầu nguyện. Lúc đó chúng ta sẽ cảm thấy sự bình an. Điều làm cho chúng ta bình an, đó là chúng ta đã không làm điều gì gian dối hay cố tình làm hại ai cả. Chỉ vì lòng tốt, chỉ vì làm theo điều Chúa dạy mà ta bị hiểu lầm, bị vu khống, bị nói hành, bị nói xấu. Chẳng sao cả !!!!!!! Đời là thế !!!!!

   Thế nhưng “Có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi,

                           vì thế tôi đã không hổ thẹn, tôi trơ mặt ra như đá.

                           Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng”.

 “Có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ”, nên chúng ta không sợ chi cả. Chúa sẽ trả lại “sự công bằng” cho chúng ta; không ở đời này thì cũng ở đời sau thôi. Chúng ta cứ vững tin vào Chúa. Vì mọi người sẽ bị Chúa xét xử khi chết, khi trở về với Chúa mà. Việc đâu còn có đó, chúng ta không phải lo lắng làm gì.

    “Vì thế tôi đã không hổ thẹn, tôi trơ mặt ra như đá”. Chúng ta “không hổ thẹn”, không có nghĩa là chúng ta bị “đứt dây thần kinh mắc cở”, không còn biết xấu hổ là gì. Chúng ta “trơ mặt ra như đá”, không có nghĩa là chúng ta “lỳ mặt ra, trơ chẽn”. Chỉ có những kẻ “đạo đức giả” mới bị “đứt dây thần kinh mắc cở”, không còn biết xấu hổ là gì; chúng cứ chai mặt lỳ lợm, trơ chẽn mà thôi. Chúng giả hình giả bộ để lừa gạt người khác; chúng giả danh giả mạo để che lấp sự xấu xa, đê tiện của họ.

   Không. Người môn đệ Chúa không phải như thế. Chúng ta noi gương Đức Giê-su,

Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa,

mà không nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa.

Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ;

trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế.

Người lại còn hạ mình,

vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (x.Pl 2,6-8).

  Theo đó, chúng ta không hổ thẹn khi phải hạ mình;

  không xấu hổ khi sống khiêm nhường;

  không thẹn thùng khi sống “không giống người đời”.

  Thật sự, nhiều khi chúng ta cảm thấy hổ thẹn khi phải hạ mình trước người khác; chúng ta cảm thấy xấu hổ khi khiêm tốn; chúng ta cảm thấy thiệt thòi khi phải vâng lời. Thế nhưng, noi gương Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, chúng ta sẵn sàng chấp nhận tất cả. Chấp nhận cho đến nỗi “bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự”, nghĩa là vui lòng chấp nhận cho đến cùng.

   Như thế chúng ta có thiệt thòi lắm không? Chắc chắn là không. Như Đức Giê-su, không chấp nhận đau khổ để mà khổ; chết để mà chết, nhưng để đượcThiên Chúa tôn vinh :

    “Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người

   và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu.

   Như vậy, khi vừa nghe Danh Thánh Giê-su,

   cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quì.

   Và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng:

  “Đức Giê-su Ki-tô là Chúa”. (x. Pl 2, 9-11)

   Rõ ràng trên đời này, không ai chê người biết “hạ mình”; cũng không ai ghét người sống “khiêm nhường” bao giờ. Người đời còn thế, huống hồ là Thiên Chúa. Ai cũng yêu, cũng quí người biết hạ mình và sống khiêm nhường hết. Còn Chúa, Chúa sẽ tôn vinh chúng ta trên cõi trời ấy chứ. Khi đó, trước mặt thần thánh trên trời, chúng ta được Thiên Chúa tôn vinh và mọi thần thánh sẽ xưng rằng: “Chúng ta thật là môn đệ của Chúa”; “người biết chịu đòn”.

    Vậy chúng ta hãy noi gương Đức Giê-su, “biết đón nhận bài học” khiêm nhường Người để lại trong cuộc thương khó, để chúng ta không hổ thẹn khi hạ mình; không xấu hổ khi khiêm tốn; không sợ thiệt thòi khi vâng phục, chúng ta sẽ trở nên người môn đệ đích thực của Chúa. Người môn đệ Chúa phải biết chịu đòn.

Lm. Bosco Dương Trung Tín

Tác giả: