Nhảy đến nội dung

Lời Chúa và suy niệm Chủ Nhật 17 TN

LỜI CHÚA (Ga 6, 1-15) VÀ SUY NIỆM CHÚA NHẬT 17TNB 2024

Lời Chúa, Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 6, 1-15): “…Khi ấy, Chúa Giêsu đi sang bên kia biển Galilêa, cũng gọi là Tibêria. Có đám đông dân chúng theo Người, vì họ đã thấy những phép lạ Người làm cho những kẻ bệnh tật. Chúa Giêsu lên núi và ngồi đó với các môn đệ. Lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái đã gần tới. Chúa Giêsu ngước mắt lên và thấy đám rất đông dân chúng đến với Người. Người hỏi Philipphê: “Ta mua đâu được bánh cho những người này ăn?” Người hỏi như vậy có ý thử ông, vì chính Người đã biết việc Người sắp làm. Philipphê thưa: “Hai trăm bạc bánh cũng không đủ để mỗi người được một chút”. Một trong các môn đệ, tên là Anrê, em ông Simon Phêrô, thưa cùng Người rằng: “Ở đây có một bé trai có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng bấy nhiêu thì thấm vào đâu cho từng ấy người”. Chúa Giêsu nói: “Cứ bảo người ta ngồi xuống”. Nơi đó có nhiều cỏ, người ta ngồi xuống, số đàn ông độ năm ngàn. Bấy giờ Chúa Giêsu cầm lấy bánh, và khi đã tạ ơn, Người phân phát cho các kẻ ngồi ăn, và cá cũng được phân phát như thế, ai muốn bao nhiêu tuỳ thích. Khi họ đã ăn no nê, Người bảo các môn đệ: “Hãy thu lấy những miếng còn lại, kẻo phí đi”. Họ thu lại được mười hai thúng đầy bánh vụn do năm chiếc bánh lúa mạch người ta đã ăn mà còn dư. Thấy phép lạ Chúa Giêsu đã làm, người ta đều nói rằng: “Thật ông này là Ðấng tiên tri phải đến trong thế gian”. Vì Chúa Giêsu biết rằng người ta sẽ đến bắt Người để tôn làm vua, nên Người lại trốn lên núi một mình…” Ðó là Lời Chúa

Suy Niệm Lời Chúa:

+/ Hàng năm, từ 1985, cứ vào ngày 5-12 toàn thế giới mừng ngày Những Người Thiện Nguyện Quốc Tế- Ngày Tình nguyện viên Quốc tế, Ngày Tình nguyện Quốc tế (tiếng Anh: International Volunteer Day, viết tắt IVD). Đây là ngày dành để tri ân những con người hiến thân phục vụ không công cho đồng loại, và cũng là ngày mời gọi mọi người dấn thân phục vụ tha nhân. Đến nay tổ chức này đã có hơn 35 cơ quan thiện nguyện chiêu mộ và gửi người đi khắp nơi để phục vụ mọi tầng lớp trong xã hội. Từ một thanh niên làm việc tại các nước nghèo cho đến chuyên viên tổ chức các cuộc lạc quyên. Từ một cán sự y tế phục vụ thổ dân Châu Phi cho đến các chuyên gia phục vụ dự án phát triển các nước thuộc Thế giới thứ ba. Tất cả đều được thúc đẩy bởi một tinh thần phục vụ yêu thương, một tấm lòng nhân ái vị tha. Ngày Quốc Tế Những Người Thiện Nguyện là bài ca dành cho một nhân loại đang nỗ lực vươn tới một thế giới đầy tình nhân ái.

- Đức Giêsu chính là mẫu gương sáng ngời của những con người thiện nguyện. Người không chỉ rao giảng Nước Trời, mà còn chữa mọi bệnh hoạn tật nguyền. Người đem ơn cứu độ cho cả hồn lẫn xác. Hôm nay, Người nuôi hơn năm ngàn người ăn no. Người cũng biết bụng họ rất đói, Người muốn tặng họ một bữa ăn đơn giản, bất ngờ, một bữa ăn tập thể ngoài trời. Bữa ăn tràn đầy niềm vui.

+/ Bài Ðọc I hôm nay, 2 V 4, 42-44, Trích sách Các Vua quyển thứ hai. Trong những ngày ấy, có một người từ Baal-salisa mang đến dâng cho Êlisê, người của Thiên Chúa, bánh đầu mùa, hai mươi chiếc bánh mạch nha và lúa mì đầu mùa. Người của Thiên Chúa liền nói:- “Xin dọn cho dân chúng ăn”. Ðầy tớ của người trả lời: - “Tôi dọn bấy nhiêu cho một trăm người ăn sao?” Nhưng người ra lệnh:- “Cứ dọn cho dân chúng ăn, vì Chúa phán như sau: - Người ta ăn rồi mà sẽ còn dư'”,và đúng như lời Chúa phán.

+/ Tin Mừng vừa cho ta biết các môn đệ Chúa khi được yêu cầu lo cho đám dân chúng ăn, họ thưa: - Bấy nhiêu thì thấm vào đâu cho từng ấy người”. Còn Chúa Giêsu thì bảo các môn đệ mình:- Cứ bảo người ta ngồi xuống. Và Người phân phát cho các kẻ ngồi ăn, ai muốn bao nhiêu tuỳ thích. Chúa Giêsu thấy đám đông đến với Người, Người nhìn họ không phải với ánh mắt loài người, nhưng với cái nhìn Mục Tử Nhân Lành đầy lòng từ bi và thương xót, chứa đầy cảm xúc nảy sinh ước muốn nuôi dưỡng đám đông. Chúa Giêsu đã mời gọi các môn đệ cộng tác với Người vào công trình cứu chuộc và yêu thương.

+/ Có ba cách người ta nhìn và giải thích phép lạ này.

1.    Chúng ta có thể xem phép lạ này là một việc có thực, xảy ra đúng như nghĩa đen là Chúa Giêsu đã làm cho bánh và cá của em bé tăng lên cho hơn năm ngàn người ăn và còn dư đến mười hai giỏ.

2. Đây là tiên báo bữa Tiệc Thánh. Vì trong phần kế tiếp lúc nói về ăn Thịt và uống Máu Ngài, ngôn ngữ Chúa dùng đúng là ngôn ngữ của bữa Tiệc Thánh. Có thể trong bữa ăn này, mỗi người chỉ nhận một mẩu bánh nhỏ như bánh của Tiệc Thánh, và sự cảm xúc về sự hiện diện của Chúa Giêsu cùng sự thực hữu của Thiên Chúa đã biến những miếng bánh thành thức ăn bổ dưỡng cho tấm lòng và linh hồn của họ, như trong Tiệc Thánh chúng ta ngày nay.

3. Cũng có một lối giải thích thật dễ thương khác. Khó có thể nghĩ rằng đám người theo Chúa suốt mười lăm cây số mà không chuẩn bị lương thực gì. Nếu có thêm những người hành hương nữa thì chắc chắn họ phải có đem theo bánh để ăn riêng, chẳng ai muốn đưa bánh mình ra. Lúc ấy Chúa Giêsu với nụ cười trên môi, đưa số bánh của Ngài và các môn đệ ra, Ngài tạ ơn Thiên Chúa rồi bẻ ra phân chia cho mọi người.

+/ Cũng cần phải lưu ý đến một số nhân vật.

- Anrê: có sự tương phản giữa Anrê và Philipphê. Philipphê nói: Hoàn cảnh thật là tuyệt vọng, chẳng có thể làm gì được

cả.Chính Anrê đã đưa cậu bé đến Chúa Giêsu. Chúng ta không thể biết được sẽ có gì xảy ra khi đưa một người nào đó đến với Chúa Giêsu. Nếu cha mẹ giáo dục con cái mình trong sự nhận biết, yêu thương, kính sợ Chúa, biết đâu một ngày nào đó đứa con sẽ có thể làm được những việc lớn lao cho Thiên Chúa và loài người.

- Khi một giáo lý viên đem một em bé đến với Chúa Giêsu, không ai biết được một ngày kia, em bé ấy sẽ làm được gì cho Chúa Giêsu và Hội Thánh.

+/ Có một câu chuyện kể rằng, một giáo lý viên người Đức mỗi sáng bước vào lớp học của mình đều trịnh trọng ngả mũ chào cả lớp. Có người hỏi tại sao ông làm như thế, ông đáp: “Có ai biết được một ngày nào đó, một trong các em đây sẽ làm nên công trạng”. Ông đã nói đúng.

- Cậu bé: Cậu bé chẳng có gì nhiều để dâng cho Chúa. Nhưng với lễ vật đơn sơ của cậu, Chúa Giêsu đã có chất liệu để thực hiện phép lạ. Nếu cậu cứ giữ lại bánh và cá cho riêng mình, thì sao???

- Chúa Giêsu cần những gì chúng ta đem đến cho Ngài. Ngài không cần mỗi chúng ta mang đến thật nhiều, nhưng cần những gì chúng ta đang có. Có thể là thế giới đã không nhận được phép lạ này đến phép lạ khác, chiến thắng này đến chiến thắng khác, chỉ vì chúng ta đã không chịu đem đến cho Chúa những gì mình có, không chịu đến với Chúa bằng chính con người hiện tại của mình.

- Nếu chúng ta bằng lòng dâng chính mình trên bàn thờ để phục vụ Chúa Giêsu thì Ngài dùng chúng ta. Có thể chúng ta hối tiếc và hổ thẹn vì mình không có gì nhiều để dâng, hối tiếc và hổ thẹn như vậy là đúng. Nhưng chúng ta không có lý do gì để từ chối dâng cho Ngài những gì mình có. Dù ít, bao giờ cũng thành nhiều trong tay Chúa.

+/ Đến đây, chúng ta thấy phản ứng của đám đông. Họ nhiệt tình ủng hộ Chúa Giêsu vì Ngài đã ban điều họ muốn. Ngài đã chữa bệnh tật, đã cho ăn no nê nên họ muốn tôn Ngài lên làm lãnh tụ. Người ta có thể mua được tình thương theo cách đó, một tình thương bởi thức ăn thức uống.

- Thái độ của đám đông có thể làm một số chúng ta ghê tởm. Nhưng chúng ta có hơn họ không? Mỗi chúng ta muốn được an ủi khi đau buồn, muốn có sức mạnh khi gặp khó khăn, muốn được bình an trong cơn xáo trộn, muốn được sự trợ giúp lúc đời mình xuống dốc, thì chẳng hề có ai kỳ diệu bằng Chúa Giêsu, và chúng ta đến nói chuyện với Ngài, đi cùng Ngài, mở lòng mình ra cho Ngài. Nhưng khi Ngài đến cùng chúng ta với một đòi hỏi hy sinh, với một thách thức nỗ lực, với đề nghị vác thập giá, thì bấy giờ chúng ta chẳng muốn liên hệ gì với ngài.

- Nếu tự xét lòng mình, chúng ta sẽ thấy mình cũng chỉ yêu mến Chúa Giêsu vì những gì mình nhận được từ Ngài, còn khi Ngài đến với chúng ta bằng những thách thức, những đòi hỏi quan trọng, chúng ta lờ đi, có khi còn tỏ ra oán ghét, chống lại sự quấy rầy và đòi hỏi của Ngài.

- Một lý do nữa để đám đông tung hô Chúa Giêsu là vì họ muốn lợi dụng Ngài cho mục đích riêng của họ, uốn nắn Ngài theo các ước mơ của họ. Họ đang trông chờ Đấng Mêsia theo ý riêng của họ, để làm vua và làm nhà chinh phục. Đấng đó sẽ đánh đuổi người Roma khỏi xứ Palestine, sẽ thay đổi tình thế của Israel từ một nước bị trị thành một cường quốc thế giới, sẽ giải phóng họ khỏi số phận bị chiếm đóng để nâng lên thành một dân tộc đi chiếm đóng nhiều xứ khác.

- Khi chúng ta kêu cầu Chúa, có phải là để được sức lực tiếp tục thực hiện các mưu đồ, ý định của mình không? Hay là để có sự khiêm nhường, vâng phục, chấp nhận các chương trình, ý muốn của Ngài? Câu trả lời là rất riêng tư của mỗi chúng ta…Amen.

Linh Mục G.B Nguyễn Ngọc Nga