Sống đời cầu nguyện, đời ta Vui, đời ta Hồng
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- Lm Dương Trung Tín
CN III MV
Sống đời cầu nguyện, đời ta Vui, đời ta Hồng
“Anh em hãy vui mừng lên mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh”(1Tx 5,16-18).
Chúa Nhật hôm nay được mang tên là Chúa Nhật Hồng. Vì chủ Tế hôm nay sẽ mặc áo lễ màu hồng. Tại sao trong Mùa Vọng lại mặc áo lễ màu Hồng? Mầu Hồng là màu của vui mừng mà? Đúng vậy, Chúa Nhật hôm nay cũng được gọi là Chúa Nhật Vui, vì đã là Chúa Nhật thứ III Mùa Vọng rồi. Chỉ còn một tuần nữa thôi là đến lễ Giáng Sinh. Chúng ta mừng, chúng ta vui vì đã đi được nửa con đường và niền vui đó sẽ khích lệ chúng ta đi cho đến hết con đường.
Thánh Phao-lô khuyên chúng ta: “Anh em hãy vui mừng lên mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh”. Làm sao chúng ta có thể vui mừng luôn mãi và tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh được? Câu trả lời là Phải Cầu Nguyện Không Ngừng. Đúng vậy, chỉ khi chúng ta biết cầu nguyện không ngừng, chúng ta mới có thể vui mừng luôn mãi và mới tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh. Bởi đó chúng ta cùng tìm hiểu về việc Cầu Nguyện.
Theo sách Giáo Lý Công Giáo thì, “Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên Chúa hay cầu xin Người ban cho những ơn cần thiết”(x. GLCG, số 2529). “Cầu nguyện là sống với một tâm hồn đã được Thiên Chúa đổi mới. Cầu nguyện phải làm cho đời sống chúng ta sinh động mọi lúc”(x. GLCG, số 2697).
Qua đó, chúng ta thấy cầu nguyện không chỉ là xin cái này cái kia, mà còn là nâng tâm hồn lên với Chúa và nhất là cầu nguyện là SỐNG với Chúa. Điều đó cho thấy cầu nguyện là chúng ta tâm sự với Chúa; nói chuyện với Chúa như hai người bạn tâm giao; chia sẻ những niềm vui nỗi buồn với Chúa; xin Chúa giúp chúng ta trong những cơn hoạn nạn, khó khăn.
Nhiều khi chúng ta cứ bối rối cho là chúng ta hay chia trí trong giờ cầu nguyện. Theo tôi, chúng ta hay chia trí trong giờ cầu nguyện là bởi vì chúng ta không biết cầu nguyện. Như trên Giáo Hội dạy chúng ta cách cầu nguyện đấy. Chúng ta chia trí vì những việc chúng ta đang phải đối đầu; đang phải giải quyết; đang gặp khó khăn,... Tại sao chúng ta không tâm sự với Chúa tất cả những ưu tư đó? Đấy mới là những điều thiết thực nhất đối với chúng ta và Chúa cũng muốn nghe những điều đó. Nếu chúng ta tâm sự với Chúa như vậy thì còn gì là chia trí nữa không. “Nhất cử lưỡng tiện” quá mà; vừa cầu nguyện sốt sắng lại thân tình, thiết thực nữa. Quá tuyệt phải không bạn !!!!
Đó là cầu nguyện riêng tư giữa ta với Chúa. “Truyền thống của Giáo Hội đề ra cho các tín hữu những dịp cầu nguyện để nuôi dưỡng đời sống nội tâm. Nhịp cầu nguyện hằng ngày là kinh Sáng; kinh Tối; trước và sau các bữa ăn; các Giờ Kinh Phụng Vụ; Hàng tuần là, ki-tô hữu phải thánh hóa ngày Chúa Nhật, chủ yếu bằng kinh nguyện, mà trọng tâm là Thánh Lễ. Hàng năm là, chu kỳ phụng vụ và các đại lễ là những nhịp căn bản cho đời sống cầu nguyện của người tín hữu ki-tô”(x. GLCG, số 2698).
Những hình thức cầu nguyện là Khẩu Nguyện; Suy Niệm và Chiêm Niệm(x. GLCG, số 2699). Theo tôi nên gọi là Khẩu Nguyện, Trí Nguyện và Tâm Nguyện.
Khẩu Nguyện. “Khẩu nguyện là cầu nguyện thành tiếng, cách diễn tả rất phù hợp với con người, nên thích hợp cho đám đông. Ngay cả khi cầu nguyện trong lòng, chúng ta cũng không được xao lãng khẩu nguyện. Kinh nguyện trở thành tâm tình bên trong khi chúng ta ý thức về “Đấng chúng ta đang thưa chuyện”(x. GLCG, số 2704); cũng như ý thức về những lời kinh mà chúng ta đọc. Người ta gọi là miệng đọc lòng suy, xứng hợp với con người nhân linh, chứ không chỉ đọc như con vẹt.
Có thể nói, khi đọc kinh mà chúng ta ý thức từng lời mình đọc, tức là mình đã để tâm, để trí vào lời mình đọc thì chúng ta sẽ đọc với một niềm xác tín cũng như nghiêm trang và sốt sắng đọc với hết tâm tình của mình. Nếu chỉ đọc mà không có tâm tình gì thì những lời chúng ta đọc chẳng khác gì máy cassette ò e í ẹ mà thôi, không có giá trị gì trước mặt Chúa hết.
Trí Nguyện. Trí Nguyện hay “Suy gẫm trước hết là tìm hiểu. Tâm trí ta tìm hiểu lý do và cách thức sống đời tín hữu ki-tô, để đón nhận và đáp lại những gì Chúa đòi hỏi ta. Điều khó trong suy gẫm là phải cầm trí”(x. GLCG, số 2705). “Suy gẫm là đối diện với điều mình đọc và đối chiếu với bản thân. Nhờ đó cuốn sách cuộc đời được mở ra. Chúng ta chuyển từ những tư tưởng sang thực tại”(x. GLCG, số 2706).
“Muốn suy gẫm, chúng ta phải vận dụng khả năng suy tư, trí tưởng tượng, cảm xúc và ước muốn, để đào sâu, xác tín; khơi dậy lòng hoán cải và củng cố quyết tâm theo Đức Ki-tô. Nên ưu tiên suy gẫm về các mầu nhiệm của Đức Ki-tô, như trong các sách thiêng liêng và kinh Mân Côi”(x. GLCG, số 2708).
Theo tôi, Trí Nguyện là suy Lời Chúa và gẫm sự đời. Chúng ta suy gẫm Lời Chúa; chúng ta suy gẫm các mầu nhiệm của Chúa và đối chiếu với đời thực của ta. Những gì chúng ta đã gặp; những gì chúng ta đã kinh nghiệm qua, theo kiểu “Nói có sách, mách có chứng” vậy. Vì trí nguyện không phải là suy tư về những việc trừu tượng; những việc ở đẩu ở đâu mà là những việc hiện sinh; những gì đã, đang và sẽ xảy ra trong cuộc đời của mình. Thế mới hấp dẫn chứ !!!!
Tâm Nguyện. Tâm nguyện hay “Chiêm niệm là lấy đức tin mà chiêm ngắm Đức Giê-su”(x. GLCG, số 2715). “Chiêm niệm là kinh nguyện của con cái Thiên Chúa; của tội nhân đã được tha thứ, nay sẵn sàng đón nhận tình yêu được ban tặng và mong đáp lại tình yêu đó bằng cách yêu mến nhiều hơn. Chiêm niệm là tâm tình của người nghèo khó và khiêm tốn phó thác cho thánh ý yêu thương của Chúa Cha; trong sự hiệp nhất ngày càng sâu xa với Con yêu dấu của Người”(x. GLCG, số 2712).
Nói cách dễ hiểu, “Chiêm niệm là lắng nghe Lời Chúa”(x. GLCG, số 2716). Lắng nghe Lời Chúa ở đây không chỉ làm lắng nghe bằng Đôi Tai mà là lắng nghe bằng Tấm Lòng. Nghĩa là nghe, hiểu và đem ra thực hành, để mình chiêm, để mình niệm. “Chiêm” đây không phải là chiêm bao, mơ màng mà là chiêm ngưỡng, xác định những Lời Chúa mình đã nghe. “Niệm” đây không phải là niệm những “câu thần chú”; lẩm nhẩm mấy tiếng là có kết quả ngay, nhưng là thực hành những gì mình đã xác tín, ta sẽ thu được những kết quả tốt.
“Chiêm niệm là thinh lặng”(x. GLCG, số 2717). Chỉ trong thinh lặng, chúng ta mới nghe được tiếng Chúa; mới nhận ra sự mặc khải của Chúa; mới nhận ra chân lý của Chúa; mới nhận ra sự khôn ngoan của Chúa mà thôi.
Dù là khẩu nguyện, trí nguyện hay tâm nguyện, chúng ta phải qui về 5 điều sau: Chúc Tụng, Khẩn Cầu, Chuyển Cầu, Ca Ngợi và Tạ Ơn(x. GLCG, số 2644).
Chúc Tụng. “Thiên Chúa đã chúc lành cho con người, nên tâm hồn con người phải chúc tụng Đấng là nguồn mạch mọi phúc lành”(x. GLCG, số 2645).
Khẩn Cầu. “Chúng ta dâng lên Thiên Chúa kinh nguyện khẩn cầu để xin ơn tha tội; xin cho chúng ta biết tìm kiếm Nước Chúa và xin Chúa ban những ơn cần thiết”(x. GLCG, số 2646).
Chuyển Cầu. “Chuyển cầu là cầu xin cho người khác. Lời chuyển cầu của người tín hữu Ki-tô không có biên giới, nên chúng ta có thể cầu nguyện cho mọi người, kể cả kẻ thù”(x. GLCG, số 2747).
Ca Ngợi. “Chúng dâng lên Chúa kinh nguyện ca ngợi thuần túy vô vị lợi, để ca khen và tôn vinh Người; không chỉ những việc Người đã làm cho ta mà còn vì Người là Thiên Chúa”(x. GLCG, số 2749).
Tạ Ơn. “Mọi vui buồn; mọi biến cố và mọi nhu cầu đều là dịp để chúng ta dâng lên Thiên Chúa kinh nguyện tạ ơn. Tham dự vào kinh nguyện Tạ Ơn của Đức Ki-tô, cả cuộc đời người tín hữu Ki-tô là bài ca tạ ơn Thiên Chúa: Anh em hãy tạ ơn Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh”(x. GLCG, số 2748).
Thế đấy, cầu nguyện không ngừng như thế mà chúng ta không vui mừng mãi sao? Không tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh sao? Quả thật, qua khẩu nguyện, trí nguyện và tâm nguyện, Thiên Chúa là nguồn mạch bình an sẽ thánh hóa toàn diện con người của chúng ta, để thân xác, thần trí và tâm hồn của chúng ta được gìn giữ vẹn toàn, không chi đáng trách trong ngày Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta đến.
Sống được như vậy là chúng ta đã sống đời cầu nguyện. Ta mà sống đời cầu nguyện thì đời chúng ta sẽ vui; đời chúng ta sẽ Hồng.
Lm. Bosco Dương Trung Tín