Nhảy đến nội dung

Tin Mừng Tha Thứ- Tin Mừng Bình An

CN I MC 

TIN MỪNG THA THỨ- TIN MỪNG BÌNH AN

   “Thời kỳ đã mãn và Nước Thiên Chúa đã gần đến. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”(Mc 1,15).

    “Thời kỳ đã mãn”, đó là thời mà Đức Giê-su xuất hiện, khai nguyên Nước Thiên Chúa ở trần gian. “Nước Thiên Chúa đã đến gần”, Đó là Nước đã được khai nguyên ở trần gian này, nên gần chúng ta, đó chính là Giáo Hội. Thật vậy, “để chu toàn thánh ý Chúa Cha, Đức Ki-tô đã khai nguyên Nước Thiên Chúa ở trần gian. Và đây là thánh ý Chúa Cha: Nâng loài người lên tham dự đời sống Thiên Chúa, bằng cách qui tụ mọi người quanh Người Con của Người, Đức Giê-su Ki-tô. Sự qui tụ này, chính là Hội Thánh, là mầm mống và là khai nguyên của Nước Thiên Chúa” trên trần gian này”(X. GLCG, số 541).

    “Đức Ki-tô là trung tâm của đoàn người được qui tụ trong gia đình Thiên Chúa. Người triệu tập họ quanh Người bằng Lời nói, bằng những dấu chỉ chứng tỏ Nước Thiên Chúa đang hiện diện; bằng việc sai phái các môn đệ. Người sẽ làm cho vương quốc Người hiển trị bằng mầu nhiệm Vượt Qua của Người. Đó chính là cái chết trên thập giá và sự phục sinh”(x. GLCG, số 542).

   Bởi đó, “Mọi người đều được mời gọi gia nhập Nước Thiên Chúa. Vương triều của Đấng Mê-si-a trước tiên được loan báo cho con cái Ít-ra-en, nhưng cũng để tiếp nhận mọi dân tộc. Để được vào Nước Thiên Chúa, con người phải đón nhận LỜI của Đức Giê-su”(x. GLCG, số 543). Lời của Đức Ki-tô, chính là Tin Mừng.

   Bổn phận của chúng ta là Sám hối và Tin vào Tin Mừng. Chúng ta cùng tìm hiểu Sám hối và Tin vào Tin Mừng là gì?

   Theo sách Giáo Lý Công Giáo thì, Sám hối là “Thật lòng ăn năn; xưng tội và đền tội”(x. GLCG, số 1450).

  1. Ăn năn tội

   “Ăn năn tội là: đau đớn trong lòng và chê ghét tội đã phạm, dốc lòng chừa từ nay không phạm tội nữa”(x. GLCG, số 1451). Có hai loại ăn năn tội. Một là ăn năn cách trọn và ăn năn cách chẳng trọn.

   “Ăn năn cách trọn” là ăn năn vì lòng yêu mến Chúa trên hết mọi sự. Việc ăn năn tội cách này xóa bỏ các tội nhẹ và cũng đem lại ơn tha thứ các tội trọng, nếu hối nhân quyết tâm đi xưng tội càng sớm càng tốt”(x. GLCG, số 1452). Nói tóm là ăn năn cách trọn là ăn năn vì yêu. Vì lòng yêu mến, nên trọn hảo, trọn tốt, trọn lành và trọn vẹn. Đó là sự ăn năn của một người con.

   “Ăn năn cách chẳng trọn” là ăn năn vì sợ Chúa phạt. Ăn năn cách chẳng trọn cũng là một hồng ân Thiên Chúa; một thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. Nó xuất phát từ việc thấy sự xấu xa của tội lỗi hoặc vì sợ hình phạt trầm luân đời đời cũng như hình khổ khác mà người tội lỗi phải chịu. Lương tâm được lay động như vậy có thể manh nha một chuyển biến nội tâm. Sự chuyển biến này sẽ được hoàn tất dưới tác động của ân sủng nhờ việc tha tội trong bí tích Giao Hòa. Tuy nhiên, việc ăn năn cách chẳng trọn tự nó không đem lại ơn tha thứ các tội trọng, nhưng chuẩn bị tâm hồn đó đón nhận ơn tha thứ trong bí tích thống hối”(x. GLCG, số 1453). Có thể nói ăn năn cách chẳng trọn là sự ăn năn của một người tôi tớ; một người nô lệ.

   Do vậy, là con cái Chúa, chúng ta nên tập sao cho chúng ta luôn biết ăn năn cách trọn; ăn năn vì lòng yêu mến Chúa. Vì Chúa luôn thương yêu, lo lắng, bảo vệ và hy sinh cho chúng ta.

  1. Xưng tội

   “Ngay trên bình diện thuần nhân loại, xưng tội hay thú tội giải thoát và giúp chúng ta dễ dàng hòa giải với anh em. Qua việc thú tội, con người nhận mình là tội nhân, nhận trách nhiệm về tội lỗi đã phạm, nhờ đó lại sẵn sàng đón nhận Thiên Chúa và hiệp thông với Hội Thánh để có một tương lai mới”(x. GLCG, số 1455).

    Trong cuộc sống hằng ngày, mỗi khi chúng ta làm lỗi mà nhận lỗi thì ai mà chẳng tha. Chỉ khi nào ta cố tình không nhận thì chúng ta mới không được tha. Bởi đó, khi làm lỗi gì, chúng ta hãy mau mắn hết sức xin lỗi để được thứ tha. Và trong trường hợp không xưng tội với một Linh mục được, thì chúng ta hãy xưng trực tiếp với Chúa, Chúa cũng sẽ tha thứ cho chúng ta ngay thôi.

   Điều này chúng ta nên tập, trước khi đi ngủ, chúng ta hãy xin lỗi Chúa về những lầm lỗi chúng ta đã làm trong ngày, để xin Chúa thứ tha và chúng ta sẽ ngủ qua đêm bình an. Nếu sáng mai chúng ta không dậy được nữa thì chúng ta cũng an tâm, không phải lo lắng chi. Nếu mai dậy được, thì cám ơn Chúa và tiếp tục sống một ngày mới,...

  1. Việc đền tội

  Vì “Có những tội gây thiệt hại cho tha nhân, chúng ta phải đền bù như trả lại đồ vật đã lấy cắp, phục hồi danh dự cho người mình xúc phạm, bồi thường thiệt hại,...Đức công bằng đòi buộc như vậy. Sự đền bù tội lỗi của chúng ta không phải tự mình mà chúng ta bù hết được. Chúng ta đền bù tội lỗi mình trong sự đền bù của Đức Giê-su Ki-tô. Nên chúng ta đừng nghĩ rằng mình có thể làm gì để đền bù tội lỗi mình được.

   Đành rằng, trong tương quan giữa người và người chúng ta có thể đền bù cân xứng như mình lấy của người ta 1 triệu, mình trả một triệu, ok; nhưng còn danh dự, sự khốn khổ, sự thiệt hại do mình gây ra, mình có thể đền hết được không? Chắc chắn là không. Vì “Nhờ sự vâng phục cho đến chết, Đức Giê-su đã đảm nhận vai trò Người Tôi Tớ đau khổ, hiến mạng sống mình làm của lễ đền tội cho muôn dân, khi làm cho họ nên công chính bằng cách gánh lấy tội lỗi của họ. Đức Giê-su đã đền bù và đền tạ thỏa đáng cho Thiên Chúa Cha vì tội lỗi chúng ta”(x. GLCG, số 615).

   Bởi đó, chúng ta có đền bù thì chúng ta cũng đền bù trong sự liên kết với sự đền bù của Đức Ki-tô thôi. Coi như chúng ta có chút gì gọi là thành tâm thiện chí. Đó là phần của chúng ta. Ngoài việc làm việc đền tội như cha giải tội dạy, chúng ta còn có nhiều cách khác tự đền tội nữa. Như “Có thể đền tội bằng cách cầu nguyện, dâng cúng, bố thí, phục vụ tha nhân, hãm mình, các hy sinh và nhất là kiên trì vác thánh giá của mình. Những việc đền tội như thế, giúp ta nên giống Chúa Ki-tô, Đấng duy nhất đã đền bù dứt khoát tội lỗi chúng ta và làm cho chúng ta nên đồng thừa tự với Đức Ki-tô phục sinh, một khi chúng ta cùng chịu khổ với Người”(x. GLCG, số 1460).

   “Tin vào Tin Mừng”, tức là tin vào Chính Đức Ki-tô; tin vào Tin Mừng của Đức Giê-su Ki-tô loan báo. Tin Mừng đó, “Thực hiện một cuộc phục sinh thiêng liêng, đích thực và hoàn lại phẩm giá và những đặc quyền của đời sống con cái Thiên Chúa, nhất là tình bằng hữu với Người”, qua cuộc Vượt Qua và qua bí tích Giao Hòa(x. GLCG, số 1468).  Thật vậy, “Khi thống hối và tin tưởng quay về với Chúa Ki-tô, tội nhân sẽ từ cõi chết bước vào cõi sống và khỏi bị xét xử”(x. GLCG, số 1470).

   Vậy, trong Mùa Chay này, chúng ta hãy thành tâm sám hối và luôn Tin vào Tin Mừng, vì thời kỳ đã mãn và Nước Thiên Chúa đã đến gần, để chúng ta có thể chiến thắng các cơn cám dỗ của ma quỉ, thế gian và xác thịt về của ăn, áo mặc; về vinh hoa, phú quí và về lợi lộc, tiền tài. Vì những cám dỗ này dễ làm cho chúng ta sa ngã, phạm tội. Đó là TIN MỪNG THA THỨ; TIN MỪNG BÌNH AN. Vì khi Sám Hối chúng ta được THA THỨ và Tin Vào Tin Mừng chúng ta được Bình An.

Lm. Bosco Dương Trung Tín.

Tác giả: