Nghèo cho sang, giàu cho thánh
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- Lm Dương Trung Tín
CN 26 QN
Nghèo cho sang, giàu cho thánh
“Các người đã lo tích trữ trong ngày sau hết này”(Gc 5,3).
Ngày sau hết này là ngày phán xét; ngày mà mỗi người chúng ta phải ra trước tòa Chúa sau khi chết. Đó là ngày phán xét riêng. Ngày này, chỉ linh hồn ta ra trước tòa Chúa. Khi đó, nếu ta tốt lành, thánh thiện thì linh hồn ta được lên thiên đàng. Nếu chưa, linh hồn ta sẽ vào luyện ngục để đền tội và được thanh luyện. Sau khi thanh luyện xong, ta sẽ được lên thiên đàng(x. GLCG, số 1022; 1030)
Còn một ngày phán xét nữa, tức là ngày phán xét chung; cuộc phán xét chung cuộc. Trong ngày này, thân xác của mọi người sẽ sống lại, hợp với linh hồn để chịu phán xét cuối cùng. Khi đó nếu, thánh thiện và tốt lành; đã đền tội và thanh luyện xong, thì thân xác và linh hồn ta sẽ lên thiên đàng hưởng phúc mãi mãi. Nếu không sẽ phải xuống hỏa ngục trâm luân đời đời kiếp kiếp. Không còn luyện ngục nữa(x. GLCG, số 1038).
Câu hỏi đặt ra là có hai ngày phán xét này không? Có người cho là không. Họ nói chết là hết. Nếu chết là hết, không có ngày phán xét thì cuộc sống trên trần gian này là vô nghĩa. Việc tốt và việc xấu cũng như nhau à? Người tốt và người xấu cũng giống nhau sao? Điều đó không đúng. Những người cho rằng chết là hết, không có phán xét gì hết, thì chỉ là một cách trốn tránh trách nhiệm; hoặc lấp liếm việc làm xấu của mình thôi.
Nếu nói chết là hết, thì những người bị hại; bị đối xử cách bất công, thì ai sẽ trả lại sự công bằng và thiệt hại cho họ? Những kẻ gian ác; những kẻ chuyên làm những điều xấu xa, thì ai sẽ xét xử và phạt họ đây? Đâu có chuyện vô lý đó được. Đời này không đền thì đời sau phải đền, chứ không thể có chuyện ăn không của người khác; hãm hại người khác mà được yên thân đâu.
Vậy thì mỗi người chúng ta sẽ tích trữ cho mình điều gì trong hai ngày phán xét này? Tài sản, áo quần hay vàng bạc? Những thứ này chỉ cần cho chúng ta dùng khi ở trần gian này thôi, khi chết chúng ta không mang theo được.
Thánh Gia-cô-bê nói cho những người giàu có, cho họ biết những gì sẽ xảy ra cho họ: “Hỡi những kẻ giàu có, các người hãy than van, rên rỉ về những tai họa sắp đổ xuống trên đầu các ngươi. Tài sản của các người đã hư nát; quần áo của các người đã bị mối xông; vàng bạc của các người đã bị rỉ sét. Và chính sự rỉ sét ấy là bằng chứng buộc tội các người; nó sẽ như lửa thiêu hủy xác thịt các người”(x. Gc 5, 1-4). Lý do là : “họ đã gian lận; họ đã sống xa hoa; họ đã kết án và giết hại người công chính”(x. Gc 5, 4;5;6).
Nói đến người giàu là nói đến người nghèo. Giàu không phải là cái tội mà nghèo cũng không phải là cái tội gì. Giàu chỉ là tội khi do ăn ở bất công và bất chính; gian lận và bóc lột người khác mà có tiền có của. Nghèo chỉ là tội khi lười biếng không chịu làm việc hay đi ăn cắp ăn trộm của người khác mà có của ăn, của để.
Trong sách Cách Ngôn có câu: “Con chỉ xin hai điều, Ngài (Thiên Chúa) đừng nỡ chối từ trước khi con nhắm mắt.(1) Xin đẩy xa con lời dối trá và chuyện lọc lừa.(2) Xin đừng để con túng nghèo; cũng đừng cho con giàu có, chỉ xin cho con cơm bánh cần dùng”(x.Cn 30,8). Lý do là : “kẻo con quá đầy dư, con sẽ khước từ Ngài mà nói: Đức Chúa là ai vậy? Hay nếu phải túng nghèo, con sinh ra trộm cắp, làm ô danh Thiên Chúa của con”(x. Cn 30, 9).
Mới nghe, chúng ta thấy lời cầu xin có vẻ tốt lành và thánh thiện, nhưng theo tôi, đó là một lời cầu xin vô duyên và vô nghĩa nhất trên đời. Chúng ta cùng phân tích nhé !!!
Lời cầu xin thứ nhất: “Xin đẩy xa con lời dối trá và chuyện lọc lừa”.
Tự mình, chúng ta nói dối, nói xạo; chúng ta “lừa thầy phản bạn”, chứ nào Chúa có dạy chúng ta làm thế đâu. Chúa luôn luôn dạy chúng ta phải nói thật và làm điều tốt mà. Chúa có “đẩy” đấy chứ, nhưng chúng ta lại thích ôm vào; “ôm cho chắc, ghì cho chặt”; cứ mở miệng ra là dối trá; là lọc lừa; lại còn thích nghe những lời dối trá và lọc lừa nữa chứ; còn những lời thật thà, thẳng thắn, chúng ta đâu có thích nghe đâu. Vậy mà chúng ta dám mở miệng mà xin được sao? Có phải là vô duyên và vô nghĩa không. Thay vì xin, chúng ta hãy nghe và thực hành những Lời Chúa dạy, có phải là hay biết chừng nào; thiết thực biết chừng nào không !!!
Lời cầu xin thứ hai: “Xin đừng để con túng nghèo; cũng đừng cho con giàu có, chỉ xin cho con cơm bánh cần dùng”.
Trời !!! Mình nghèo hay giàu là do mình chứ nào do Chúa. Mình lười; mình làm biếng là giỏi; lại chỉ lo đi ăn chơi; đi tám; đi nhậu, không làm gì hết thì làm sao mà không nghèo. Nghèo lại tham lam; muốn làm ít mà hưởng nhiều; muốn làm việc nhẹ mà lương cao, nên đi ăn cắp, ăn trộm cho nhanh giàu có: “Một đêm ăn trộm bằng 3 năm làm” mà. Thời buổi này đâu có dễ dàng như vậy. Một đêm ăn trộm là 3 năm tù hay 30 năm tù chứ không phải chuyện chơi.
Còn mình giàu mà như những người thánh Gia-cô-bê nói tới, là những kẻ gian ác, gian lận, bóc lột xương máu của người khác thì có ngày phải đền, không đời này thì đời sau thôi, chạy đâu cho thoát. Đời này đã không thoát, huống chi đời sau, chết rồi còn chạy đi đâu nữa. Có chạy xuống hỏa ngục thôi. Còn mình có của; của do làm ăn chân chính; do mồ hôi nước mắt mình làm ra, mình làm phúc bố thí; giúp đỡ người nghèo; giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, thì quá tốt rồi còn gì. Làm sao mà xuống hỏa ngục được; có lên thiên đàng thẳng cẳng đấy chứ!
Quả thật, nếu ta làm việc chân chính và chăm chỉ thì chẳng giàu “nứt vách, đổ tường”, chỉ đủ dùng và nếu có dư thì dư chút đỉnh, do mình tiết kiệm thôi. Mình mà siêng năng, chăm chỉ làm việc; việc to việc nhỏ gì cũng làm, thì làm sao thất nghiệp; làm sao mà túng nghèo, không có của ăn cơ chứ. Ít ra cũng có của ăn hằng ngày. Nhiều khi có được gì một chút là chúng ta kênh kiệu, vênh vang, “Coi trời bằng vung”; coi người khác không ra gì. Nếu không được giàu có như người ta, chúng ta lại phân bì, ghen ghét, đố kị.
Chúa chẳng để ta túng nghèo; cũng chẳng muốn ta giàu có đâu; Chúa chỉ mong cho chúng ta có cơm bánh hằng ngày dùng đủ thôi. Điều đó được Chúa nói trong kinh Lạy Cha. Bởi đó, chúng ta đừng mở miệng xin hai điều trên làm chi cho nó vô nghĩa và vô duyên. Điều chúng ta cần là chúng ta biết siêng năng cầu nguyện, để chúng ta lãnh nhận ân sủng và sự khôn ngoan của Chúa; nhờ đó chúng ta biết chăm chỉ làm việc, không chỉ cho đời này mà còn cho đời sau nữa. Như thế là chúng ta đã tích trữ cho mình điều tốt nhất cho mình ở đời này và chuẩn bị hành trang tuyệt diệu cho chúng ta ở đời sau đấy.
Vậy, chúng ta đừng tích trữ tiền tài, của cải; của ăn áo mặc, nhưng hãy chăm chỉ làm việc để có của nuôi thân và có sức để làm những việc lành phúc đức. Điều đó cũng có nghĩa là chúng ta biết tích trữ cho mình những việc lành phúc đức; làm cho mình nên thánh nên thiện, để sau này về với Chúa, trong ngày phán xét sau hết, chúng ta được Chúa thưởng công; được Chúa cho lên thiên đàng hưởng hạnh phúc mãi mãi.
Bởi thế, giàu không phải là cái tội mà nghèo cũng không phải là cái tội. Ông bà ta nói: “Nghèo cho sạch, rách cho thơm”; còn tôi thì nói: “Nghèo cho sang, giàu cho thánh” nhé bạn. Có nghĩa là giàu hay nghèo chúng ta cũng làm sáng Danh Chúa hết !!!
Lm. Bosco Dương Trung Tín