Tản mạn về KHÔN NGOAN và KHÔN LỎI
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- Lm Dương Trung Tín
Tản mạn về KHÔN NGOAN và KHÔN LỎI
“Đèn của thân thể là con mắt. Vậy nếu mắt anh tốt, thì toàn thân anh sẽ sáng. Còn nếu mắt anh xấu, thì toàn thân anh sẽ tối. Vậy nếu ánh sáng nơi anh lại thành bóng tối thì tối biết chừng nào!”(Mt 6,22-23).
1. “Đèn của thân thể là CON MẮT”.
Đôi mắt được cho là ngọn đèn của thân xác. Thật vậy, nhờ Đôi Mắt mà chúng ta nhìn thấy được hết mọi vật. Nên đôi mắt được ví như đèn của thân thể. Nếu mắt chúng ta tốt, có nghĩa là không bị cận thị; không bị viễn thị; không bị loạn thị hay bị một bệnh về mắt như bệnh mù màu; bệnh đục thủy tinh thể,... Một đôi mắt bình thường, chúng ta sẽ thấy rõ được mọi thứ; giúp chúng ta tránh được những cái bất lợi; những cái có hại cho cơ thể. Như đi đường khỏi vấp; ăn khỏi phải đau bụng; đọc khỏi sai, .....
Muốn có một đôi mắt bình thường, khỏe mạnh, trong sáng chúng ta phải gìn giữ đôi mắt của chúng ta. Giữ được một đôi mắt tốt, sáng, không bị tật, không bị bệnh, không phải đeo kiếng quả là một công việc quan trọng và cần thiết; mà ngày nay, người ta, nhất là trẻ em không được dạy dỗ cũng như không để ý tới.
Cám ơn Chúa, đôi mắt của tôi, hiện này đã làm việc 54 năm mà chưa phải đeo kiếng, mặc dù đã đọc biết bao cuốn sách và học hành rất nhiều. Sở dĩ tôi được như thế là do tôi được mẹ tôi chỉ dẫn và gìn giữ ngay từ khi còn bé.
Hồi tôi còn học cấp một, dù thời đó (1976), nơi kinh tế mới Cẩm Đường chưa có điện, chỉ có đèn dầu thôi. Mẹ tôi nhất quyết bắt tôi khi học phải học dưới áng sáng của chiếc đèn lớn là loại ABC, chứ không phải chiếc đèn nhỏ. Mẹ tôi nói: “Mẹ thà tốn tiền mua dầu chứ không muốn tốn tiền mua kiếng”.
Và tôi vẫn nhớ và thực hành lời mẹ tôi dạy. Ngay cả bây giờ tôi cũng đọc sách và học hành dưới ánh sáng đầy đủ, chứ tuyệt đối không dưới sáng tù mù. Ngày nay, chúng ta thấy, các em nhỏ bây giờ, mới có tí tuổi mà đã phải đeo kiếng rồi. Vì mê đọc chuyện trong chăn; học ở nơi thiếu ánh sáng; nhất là thời vi tính, Iphone nữa, cứ dán mắt vô màn hình.
Quả thật, đôi mắt thật quan trọng và cần thiết cho cuộc sống con người chúng ta. Cho nên các bậc làm cha làm mẹ hay thầy cô giáo, phải cố gắng hết sức, tạo mọi điều kiện để gìn giữ đôi mắt cho con em mình; cho học trò của mình.
Điều đó lại càng quan trọng và cần thiết hơn trong đời sống thiêng liêng và tinh thần. Đèn của thân xác là đôi mắt; đèn của linh hồn là sự khôn ngoan tức là sự hiểu biết và kinh nghiệm sống. Sự hiểu biết này chúng ta học ở trường học và kinh nghiệm sống thì chúng ta học ở trường đời. Nói tóm là sự KHÔN NGOAN, phải học cả hai.
2.“Nếu mắt anh xấu, thì toàn thân anh sẽ tối”.
Điều này không chỉ mắt linh hồn mà cũng đúng cho mắt thân xác nữa. Con mắt linh hồn chính là sự khôn ngoan của chúng ta. Sự khôn ngoan của chúng ta mà “xấu”, có nghĩa là hướng chiều về những điều xấu thì sẽ làm cho toàn bộ con người và cuộc sống của chúng ta nên xấu.
Một ví dụ điển hình và thực tế là những người đi ăn cướp, ăn trộm, ăn cắp hay lừa gạt, hãm hại người khác. Những người này đã dùng sự khôn ngoan của mình mà suy nghĩ, tính toán và thực hành điều xấu. Họ biến sự khôn ngoan của mình thành khôn lỏi. Quả thực, những người này dùng sự khôn ngoan của mình mà suy nghĩ, tính toán và làm những việc bất công, bất chính để làm hại người khác.
Tại sao họ lại không dùng sự khôn ngoan của mình để làm việc; làm cho giỏi, làm cho hay để có được nhiều của nhiều tiền mà ăn xài? Mình làm được bao nhiêu thì mình hưởng bấy nhiêu; mình đàng hoàng; giương cao đầu để hưởng những thành quả do việc mình làm; có hơn là đi ăn cướp, ăn cắp, ăn trộm và làm hại người không?
Chẳng lẽ mình không biết rằng, bỏ công, bỏ sức để đi ăn cắp, ăn trộm của người khác và làm hại người thì người ta đâu có để yên cho mình hưởng? Giết người thì đền mạng; ăn cắp, ăn trộm; ăn cướp, ăn giựt; ăn hớt, ăn chận thì phải bị phạt và ngồi tù. Dù chưa có ai biết hay chưa có ai bắt, nhưng chính bản thân cũng cảm thấy bất an, đâu có “an nhiên tự tại”; đâu có “ngồi mát mà ăn bát vàng” đâu; phải trốn chui, trốn nhủi; lúc nào cũng lo sợ cảnh sát; tâm hồn lúc nào cũng phập phồng, lo lắng. Sống như thế làm sao mà an vui và hạnh phúc được? Vậy thì làm những chuyện đó làm chi. Đâu có sự an vui và hạnh phúc nào trên xương máu của người khác. Chúng ta chỉ an vui và hạnh phúc khi mình “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” thôi.
3.“Vậy nếu ánh sáng nơi anh lại thành bóng tối thì tối biết chừng nào”.
Ánh sáng đó chính là sự khôn ngoan. Sự khôn ngoan của ta mà thành khôn lỏi thì cuộc đời và con người của ta sẽ tối, sẽ xấu; sẽ tại hại biết chừng nào!
Một câu hỏi được đặt ra là Chúa ban sự khôn ngoan cho tất cả mọi người hay Chúa ban cho người này sự khôn ngoan; người kia sự khôn lỏi, theo thuyết tiền định? Nhiều người đổ thừa, tại Chúa ban cho tôi sự khôn lỏi nên tôi mới làm như thế. Đó là một sự biện luận; một lý sự cùn.
Chắc chắn một điều là Thiên Chúa ban sự khôn ngoan cho tất cả mọi người. Vì Chúa là Đấng công bằng, không thiên vị ai và là Đấng Tốt Lành, yêu thương hết mọi người. Sở dĩ có sự khôn lỏi là do con người của chúng ta thôi. Chúng ta đã không dùng đúng ơn khôn ngoan Chúa ban, ta nghe theo lời của ma quỉ, nên biến sự khôn ngoan của mình thành khôn lỏi. Ta dùng sự khôn ngoan của mình để làm điều xấu, điều ác, hại người. Chúa ban cho ta sự khôn ngoan đâu phải để ta làm điều xấu, điều ác và hại người; nhưng để ta làm điều tốt, điều thiện và giúp người.
Ta mà nghe lời Chúa dạy; làm theo ý Chúa mà làm điều tốt, điều thiện và giúp người thì ta vừa khôn lại vừa ngoan. Khôn vì biết dùng ơn Chúa ban; ngoan vì biết làm điều tốt, điều thiện và giúp người. Nên phải nói rằng: Nếu ánh sáng nơi anh càng sáng thì anh càng sáng, càng thánh thiện biết chừng nào! Anh được hưởng mà người khác cũng được nhờ.
Cho nên mỗi người chúng ta phải chịu trách nhiệm về sự khôn ngoan của mình. Ta khôn ngoan hay khôn lỏi; ta nên tốt hay ta nên xấu; ta nên sáng hay ta nên tối là do ta quyết định chứ không phải do Chúa tiền định.
Vậy qua câu Lời Chúa này, chúng ta hãy cố gắng gìn giữ đôi mắt của mình luôn trong sáng, để nhìn thấy rõ mọi vật, mọi việc. Đồng thời, cũng chuyên cần học hỏi, nghiên cứu, suy tư để cái khôn Chúa ban cho ta thành khôn ngoan, chứ không là khôn lỏi. Con người của ta sẽ nên thánh nên thiện và cuộc đời của ta sẽ được an vui và hạnh phúc cả đời này lẫn đời sau.
Lm. Bosco Dương Trung Tín