Nhảy đến nội dung

 Đời ta là “bể sướng” chứ không là “bể khổ”

CN III MC  Đời ta là “bể sướng” chứ không là “bể khổ”

  “Đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, Đấng ấy là Đức Ki-tô, Ngài là sức mạnh và là sự khôn ngoan của Thiên Chúa”(1Cor 1,24).

   Đức Ki-tô đó là Đấng đã chịu đóng đinh trên thập giá. Điều mà người Do Thái coi là ô nhục, không thể chấp nhận và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, Đấng ấy là Đức Ki-tô, Ngài là sức mạnh và là sự khôn ngoan của Thiên Chúa.Có nhiều người có tội, bị xử tử trên thập giá, nhưng đâu có ai được rao giảng. Tại sao chỉ có một mình Đức Giê-su Ki-tô được rao giảng mà thôi vậy? Đơn giản là vì Đức Giê-su không phải là một tử tội. Vì tội lỗi của con người chúng ta mà Ngài bị đóng đinh vào thập giá.

   Theo sách Giáo Lý Công Giáo thì: “Ý định cứu độ của Thiên Chúa là giải thoát con người khỏi nô lệ tội lỗi nhờ cái chết của “Người Tôi Tớ, Đấng Công Chính”. Ý định này đã được báo trước trong Thánh Kinh như là mầu nhiệm cứu chuộc phổ quát. Thánh Phao-lô tuyên xưng đức tin mà Ngài đã lãnh nhận: “Đức Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Thánh Kinh. Cái chết cứu chuộc của Đức Giê-su ứng nghiệm lời tiên tri về Người Tôi Tớ Đau Khổ”(x. GLCG, số 601).

   Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh đó là sức mạnh và là sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Sức mạnh ở chỗ cứu độ muôn người. Khôn ngoan ở chỗ qua đau khổ mới tới vinh quang; qua cái chết mới được phục sinh. Con người của chúng ta mạnh hơn Thiên Chúa chăng? Khôn hơn Thiên Chúa chăng? “Không bao vờ”! Vì “Cái điên rồ của Thiên Chúa” nếu có, thì cũng còn hơn cái khôn lỏi của con người; và “Cái yếu đuối của Thiên Chúa” nếu có, cũng còn hơn cái mạnh mẽ của con người mà(x. 1Cor 1,25).

   Con người của chúng ta không chấp nhận đau khổ; không chấp nhận cái chết, cho đó là khôn ngoan sao? Không chấp nhận đau khổ, thì đau khổ sẽ tăng gấp đôi; đau khổ vẫn phải đau khổ nhưng sẽ không có vinh quang gì. Không chấp nhận cái chết, thì vẫn phải chết, nhưng sẽ không được phục sinh vinh hiển.

   Đức Giê-su Ki-tô đã chấp nhận đau khổ nên đã được vinh quang; Ngài đã chấp nhận cái chết, nên được phục sinh vinh hiển. Do đó, Đức Giê-su Ki-tô là sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Và qua cái chết và phục sinh của Đức Ki-tô mà muôn người được cứu độ. Đó là sức mạnh của Thiên Chúa; đó là sức mạnh của Đức Ki-tô. Hay nói cách khác Đức Giê-su Ki-tô là sức mạnh của Thiên Chúa.

   Điều đó cũng có nghĩa là ai biết chấp nhận đau khổ, đó là người khôn ngoan; ai biết chấp nhận cái chết là người mạnh mẽ. Người ta nói “Đời là bể khổ” mà. Ai không chấp nhận đau khổ sẽ bị đau khổ đè bẹp; còn ai chấp nhận đau khổ, thì “bể khổ” sẽ biến thành “bể sướng”. Vì qua đau khổ, chúng ta sẽ tích lũy cho mình nhiều những kinh nghiệm sống; chúng ta khôn ra; chúng ta hiểu biết được nhiều điều; chúng ta trưởng thành hơn về mọi mặt; mà người ta gọi là “người từng trải”.

   Họ đã từng “nằm gai nếm mật”, đắng cay ngọt bùi trên đời này họ đã nếm; họ đã từng bị phản bội; họ đã từng bị vu khống; họ đã từng sống nghèo khổ; họ đã từng bị “làm ơn mắc oán”; họ đã từng bị “lấy oán trả ơn”; họ đã từng bị “vô ơn bạc nghĩa”; họ đã từng bị khinh khi, nhục mạ; họ đã từng hết lòng hết sức giúp đỡ để rồi bị cho là xấu xa, vụ lợi; họ đã từng bị người anh em chơi xấu; hớt tay trên; cướp công, cướp sức; vv ..... Tất cả những điều đó làm cho chúng ta thêm mạnh sức, trở thành người lực sĩ biết chịu đòn và nên thập toàn thôi. Để rồi, “mới có tí tuổi” mà “kinh nghiệm đã đầy mình”, đủ sức để chống trọi với bao thử thách và dư sức để vượt qua bao khó khăn. Vì bị khổ nhiều rồi nên họ không sợ khổ nữa; vì bị khó nhiều rồi, nên không có gì có thể bó tay họ được.

   Đối với những người như thế, ai có thể thắng được họ? Cái gì có thể làm khó họ được chăng? Chắc chắn là không ai có thể thắng được họ và không có gì có thể làm cho họ bó tay. Họ đã noi gương Đức Ki-tô, luôn chấp nhận mọi gian truân; mọi khốn khó; mọi mệt nhọc, coi đó là chuyện bình thường, không có gì phải kêu ca hay phàn nàn chi cả. Họ luôn cố gắng và luôn hạnh phúc. Đối với họ Đời không còn là “bể khổ” nữa, mà “Đời là bể sướng”.

   Đối với họ, Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh trên thập giá là sức mạnh của họ; là sự khôn ngoan của họ. Họ lấy sức mạnh từ thập giá Đức Ki-tô; họ lấy sự khôn ngoan từ Lời và cuộc sống của Đức Giê-su. Họ như chim bằng, bay mãi mà không mỏi cánh. Họ tin tưởng vào Chúa và lấy Chúa làm chỗ nương thân. Họ như “Cây trồng bên dòng nước, đâm rễ sâu vào mạch nước trong. Mùa nóng đến cũng chẳng sợ gì; lá trên cành vẫn cứ xanh tươi; gặp năm hạn hán cũng chẳng ngại và không ngừng trổ sinh hoa trái”(x. Is 17,7-8).

   Người ta cứ cho là họ điên; cho là họ khờ; cho là họ yếu thế. Cứ đợi đấy. Thời gian sẽ trả lời. Xem ai điên, ai khờ, ai yếu thế thì biết. Coi chừng cái điên, cái khờ của họ còn hơn cái khôn của mình; cái yếu của họ còn mạnh hơn cái mạnh của mình nữa đấy. Vì họ thì tin tưởng và cậy trông vào Chúa; còn mình thì bám víu và lệ thuộc vào người đời.

    Vậy, chúng ta hãy noi gương Đức Giê-su Ki-tô, Đấng chịu đóng đinh vào thập giá. Người là sức mạnh và là sự khôn ngoan của Thiên Chúa, để chúng ta cũng được mạnh sức và khôn ngoan như Người. Biết chấp nhận mọi gian nan, mọi thử thách và mọi khó khăn trong đời; đau nhưng không khổ; nghèo nhưng không khó; luôn được an bình và hạnh phúc trong Chúa; có đủ khôn ngoan và sức mạnh để vượt qua tất cả. Để đời ta là “bể sướng” chứ không là “bể khổ”.

Lm. Bosco Dương Trung Tín

Tác giả: