Lửa" không làm cho ai sợ và khổn khổ
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- Lm Dương Trung Tín
CN 20 QN
“Lửa” không làm cho ai sợ và khốn khổ
“Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy bùng cháy lên” (Lc 12,49).
“Lửa ấy” là Lửa Tình, chứ không phải là lửa của bà La-xát. Để cho “Lửa ấy” cháy lên, Đức Giê-su phải chịu một Phép Rửa. Phép rửa của Đức Giê-su không dễ dàng như phép rửa của chúng ta. Không phải là việc đổ nước lên đầu ba lần, mà chính là cuộc khổ nạn và phục sinh của Đức Ki-tô.
Đã ba lần Đức Giê-su tiên báo về cuộc khổ nạn và phục sinh của Ngài.
Lần 1: “Người phải lên Giê-ru-sa-lem; phải chịu nhiều đau khổ do các Kỳ mục, Thượng Tế và các Kinh Sư gây ra, rồi bị giết chết và ngày thứ ba sẽ sống lại” (x.Mt 16,21).
Lần 2: “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời. Họ sẽ giết chết Người và ngày thứ ba Người sẽ trỗi dậy”(x. Mt 17,22).
Lần 3: “Này chúng ta lên Giê-ru-sa-lem và Con Người sẽ bị nộp cho các Thượng Tế và Kinh Sư. Họ sẽ kết án xử tử Người; sẽ nộp Người cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng dinh vào thập giá và ngày thứ ba Người sẽ trỗi dậy”(x. Mt 20, 18-19).
Để lửa dễ bùng lên phải có củi và xăng; để Lửa Tình dễ bùng lên, Đức Giê-su đã dùng thân mình làm củi và lấy mình làm xăng và Ngài đốt lên qua cuộc thương khó và phục sinh của Ngài để Lửa Tình yêu của Thiên Chúa bùng lên trên mặt đất này.
Củi và xăng đó đã thiêu rụi sự thù ghét và tội lỗi của con người chúng ta. Trong cuộc chiến đấu với sự thù ghét và tội lỗi, Đức Giê-su đã đổ máu ra và chết trên thập giá. Còn chúng ta đúng như Lời Chúa trong thư Do-thái nói: “Chúng ta chưa chống trả đến mức đổ máu đâu”(x. Dt 12,4).
Có thể nói, Phép rửa của Đức Giê-su bắt đầu với phép rửa của Gio-an Tẩy Giả ở sông Gio-đan và kết thúc ở Ngôi Mộ trống. Đức Giê-su đã hoàn thành phép rửa của Ngài. Theo sách Giáo Lý Công Giáo thì : “Trong cuộc Vượt Qua, Đức Ki-tô đã khơi nguồn bí tích Thánh Tẩy cho mọi người. Người nói về cuộc tử nạn sẽ phải chịu tại Giê-ru-sa-lem như “Một phép rửa” Người đã lãnh nhận. Máu và Nước chảy ra từ cạnh sườn Người đâm thâu trên thập giá tiên trưng cho bí tích Thánh Tẩy và bí tích Thánh Thể là những bí tích ban sự sống mới. Từ giây phút ấy, chúng ta có thể “Sinh ra nhờ Nước và Thánh Thần” để được vào Nước Thiên Chúa”(x. GLCG, số 1225).
Chúng ta, những người tín hữu Ki-tô, đã được sinh bởi Nước và Thánh Thần qua bí tích rửa tội nhân danh Ba Ngôi Thiên Chúa. Qua việc lãnh nhận bí tích rửa tội, chúng ta được “tha nguyên tội và mọi tội riêng đã phạm; được sinh ra trong đời sống mới, nhờ đó, con người trở thành nghĩa tử của Chúa Cha; thành chi thể của Đức Ki-tô và là đền thờ của Chúa Thánh Thần. Đồng thời cho người được rửa tội tháp nhập vào Hội Thánh là Thân Thể Chúa Ki-tô và tham dự vào chức tư tế của Chúa Ki-tô”(x. GLCG, số 1279).
Mỗi người tín hữu Ki-tô, chúng ta được mời gọi hoàn thành phép rửa của chính mình như Đức Giê-su Ki-tô. Do đó, chúng ta hãy “tưởng nhớ đến Đấng đã cam chịu để cho người tội lỗi chống đối mình như thế, để chúng ta khỏi sờn lòng nản chí”(x. Dt 12,3); trái lại quyết chí sống ơn gọi làm con Chúa của mình cho đến cùng. Phép rửa của chúng ta bắt đầu từ ngày chúng ta được rửa tội và kết thúc ở thiên đàng.
Qua việc sống bí tích rửa tội của mình, chúng ta cũng góp phần làm cho “Lửa Tình” mà Đức Giê-su đã ném vào mặt đất, làm cho nó bùng cháy lên mãi. Lửa Tình này thì không làm ai sợ cả, vì nó đem lại niềm vui và ơn cứu độ cho mọi người; chứ không như lửa của bà La-xát thiêu rụi những cánh rừng thông bạt ngàn hay đốt cháy những kho dầu dự trữ hoặc nhà cửa, làm cho người ta phải khốn đốn, khốn khổ.
Lửa Tình mà Đức Giê-su đã đến ném vào mặt đất là Lửa không làm cho ai phải sợ và khốn khổ.
Lm. Bosco Dương Trung Tín